Bất an với các “lâu đài” dụ yến

Bất chấp ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm, nhiều người ở ĐBSCL vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để xây nhà dụ chim yến giữa khu dân cư.

Những ngày đầu năm 2014, dạo quanh thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, đâu đâu cũng nghe người dân than phiền trước tình trạng hàng loạt tòa “lâu đài” mọc lên để làm nơi trú ngụ cho chim yến. Do những căn nhà này nằm san sát nhau nên người nuôi chim yến đua nhau mở hết công suất máy cassette giả giọng chim yến để dụ chúng bay đến với mình, bất chấp ngày đêm.

Chỉ mới thu được phân chim

Một cán bộ của UBND huyện Đông Hải cho biết địa phương này nghèo nhất tỉnh, hầu hết những hộ nuôi chim yến ở đây là dân ở nơi khác đến thuê đất chứ ít có trường hợp dân tại chỗ dám bỏ tiền đầu tư. Cũng theo cán bộ này, hầu hết các điểm nuôi chim yến chỉ mới thu được… phân chim đem bán chứ chưa nghe ai thu hoạch được tổ yến.

Bất an với các “lâu đài” dụ yến - 1

Một “lâu đài” tiền tỉ ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu được xây để nuôi chim yến

Theo quan sát của chúng tôi, thị trấn Đông Hải hiện có trên 20 điểm nuôi chim yến. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của huyện không nắm rõ số lượng vì các hộ nuôi chim yến không đến đăng ký như quy định.

Tương tự, ở TP Bạc Liêu, hàng loạt hộ nuôi chim yến đã và đang mọc lên một cách tự phát, các ngành chức năng không thể quản lý.

Còn ở TP Cần Thơ, tình trạng này cũng đang nhen nhóm bùng phát. Anh Trần Thanh Tâm, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Ninh Kiều), cho biết rất lo khi phía sau ngôi trường này mới xuất hiện một cơ sở nuôi chim yến luôn phát ra âm thanh inh ỏi suốt ngày.

Mối nguy dịch cúm gia cầm

Ngoài chuyện gây ô nhiễm môi trường và sự phiền toái do tiếng ồn từ máy phát ra âm thanh dụ chim yến đến trú ngụ, người dân sống cạnh những điểm nuôi chim yến cảm thấy bất an trước tình trạng dịch cúm gia cầm đang trở lại. Ông Nguyễn Hữu Vinh, một người dân ở thị trấn Gành Hào, lo lắng: “Hầu hết các điểm nuôi chim yến tại đây đều lấy phân để bán. Mà nguồn phân chim không qua tiêu độc, khử trùng thì nguy cơ bùng phát dịch cúm trên gia cầm và trên người ở khu đông dân cư là điều không tránh khỏi”.

Một người dân khác, anh Trần Văn Hoàng, thì thấy bất an trước việc lông chim yến vương vãi khắp nơi trên địa bàn thị trấn Gành Hào. Theo anh Hoàng, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt nhà anh và những hộ xung quanh chỉ cần để quên đậy nắp thì tức khắc sẽ bị lông và phân chim yến rơi vào. “Không chỉ gây mất vệ sinh mà còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh đối với người dân” - anh Hoàng bức xúc. 

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 6/9/2013, việc nuôi chim yến phải khai báo với các cơ quan chức năng ở địa phương. Tuy nhiên, hiện con số cơ sở nuôi chim yến ở ĐBSCL đến đăng ký với các ngành chức năng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Gia cầm tiếp tục chết rải rác

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày 5 và 6/2, tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở những tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và TP Cần Thơ tiếp tục xuất hiện tình trạng gia cầm chết không rõ nguyên nhân. Tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, một vài hộ nuôi gà vườn và vịt xiêm bị chết sạch cả đàn vài chục con. Tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, gà nòi nuôi nhốt của một số hộ dân cũng chết rải rác từ mùng 1 Tết đến nay. Do số lượng gia cầm chết chưa nhiều nên hầu hết các hộ dân đều không báo với các ngành chức năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Công (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN