"Lại quả" bằng huy chương vàng
Đầu tư không dưới 500 triệu đồng cho 1 HCV nhưng người ta lại dùng nó như món quà để trả ơn cho việc đối thủ - đồng minh ủng hộ hành vi phi thể thao của mình.
Nửa tỷ đồng cho mỗi tấm HCV
Ngay trước thềm Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 27, các quan chức thể thao Thái Lan đã phải ca thán về mức đầu tư khổng lồ trong năm có sự kiện SEA Games, lên tới 10 triệu USD, gấp 2 lần những năm chuẩn bị cho Olympic.
Tính toán sơ bộ, với mục tiêu 100 HCV đặt ra, người Thái phải chi số tiền khổng lồ cho mỗi lần đăng quang. Con số này ở các nước có thể khác nhau nhưng chắc chắn không dưới nửa tỷ đồng cho 1 chiếc HCV. Trong đó chỉ có khoảng 1/3 có thể coi như đầu tư xứng đáng vì đó là những tuyển thủ, nội dung, môn thuộc hệ thống Olympic, còn lại đều chỉ phục vụ thuần túy cho “hội làng” SEA Games.
Cường quốc thể thao số 1 khu vực tuyên bố rất mạnh miệng nhưng thực tế lại khác hẳn. Không lâu sau đó, người ta lại thấy chính Thái Lan góp mặt ở môn “dị” nhất của SEA Games là Chilone, một trò chơi dân gian mà Myanmar tìm mọi cách đưa vào chương trình thi đấu.
Rồi họ cũng giành được 2 HCV đầu tiên một cách dễ dàng khi đội chủ nhà chủ động bỏ 2 nội dung để nhường, hay chính xác hơn là trả ơn Thái Lan vì trước đó đã ủng hộ.
Đến “đại gia” Thái Lan quá hiểu rõ mặt trái tốn kém, lãng phí song cuối cùng vẫn bị cuốn vào vòng tròn luẩn quẩn của bệnh thành tích mùa vụ thì đủ biết các nước khác ra sao. Cũng vì bệnh này mà Campuchia treo thưởng tới 24.000 USD cho một tấm HCV có được trên đất Myanmar, trong khi bình thường mức đầu tư tập huấn thi đấu cho một tuyển thủ hàng đầu cũng còn kém xa.
Thế mới biết, “ao làng” SEA Games tồn tại hơn nửa thế kỷ ám ảnh và đáng sợ như thế nào đối với thể thao Đông Nam Á. Hy vọng việc Malaysia đột phá bằng việc Lee Chong Wei không sang Myanmar sẽ là “tấm gương” cho 10 quốc gia còn lại.
Môn thi đấu "dị" nhất của SEA Games 27 là Chilone
Kẽ hở điều lệ và suy nghĩ "ai chẳng lèm nhèm như mình"
Cách đây chỉ 2 năm (SEA Games 26), Myanmar mới đứng thứ 7 toàn đoàn khi giành 16 HCV. Tuy nhiên, lần này với tư cách chủ nhà, họ khẳng định sẽ giành tối thiểu 100 HCV để đoạt ngôi nhất toàn đoàn.
Ở bất cứ sự kiện thể thao quốc tế nào khác, mục tiêu với bước “tăng trưởng” kinh hoàng tới 6 bậc cùng trên 500% số HCV như thế sẽ là một chuyện hoang đường. Nhưng ở sân chơi SEA Games, nó lại hoàn toàn có thể xảy ra.
Không có chuyện cổ tích hay phép lạ gì ở đây mà tất cả chỉ nhờ việc nước chủ nhà tận dụng tối đa điều lệ của SEA Games khi chỉ bắt buộc phải tổ chức 2 môn: Điền kinh và Bơi, còn lại thì… tùy vào điều kiện, mà chính xác hơn là ý muốn, mục tiêu của nước chủ nhà.
Theo đó, họ đã loại bỏ hàng loạt môn, nội dung thế mạnh của các đối thủ, đồng thời đưa thêm tối đa các môn, nội dung sở trường của mình. Đơn cử như việc đưa: Chilone, Muay thay cho: Thể dụng dụng cụ, Đấu kiếm…
Nhìn vào danh sách 33 môn với 460 bộ huy chương đã thấy Myanmar cầm chắc khoảng 60-70 HCV, cùng với những “đặc quyền” chủ nhà gần như đương nhiên tại SEA Games, họ dư sức chạm cột mốc 100 HCV.
Nhưng cũng không trách được Myanmar vì nước chủ nhà SEA Games nào chẳng như vậy. Myanmar lần này phải ra sức “gặt hái” bởi 2 năm nữa phải nhường lại “đặc quyền” cho nước chủ nhà kế tiếp là Singapore. Khi ấy giỏi lắm Myanmar cũng chỉ xếp nổi hạng 5 hoặc 6.
Chương trình thi đấu bị biến dạng tới phân nửa sau mỗi kỳ Đại hội, chuyện nước chủ nhà đương nhiên vọt lên ngôi nhất, cùng những vấn nạn liên quan đến toan tính ngoài thảm đấu, trọng tài xử ép từ lâu đã trở thành một phần tất yếu của sự kiện vẫn được ví von như một “hội làng”.