Djokovic: Lạc bước trong giấc mơ vĩ đại

Masters cuối cùng trong năm ngoái cũng thuộc về anh vậy mà Djokovic vẫn đón nhận chức vô địch Masters đầu tiên trong năm nay như thể lần đầu.

Màn ăn mừng phổ biến trong trạng thái phấn khích tột đỉnh của tennis hôm nay thường là các tay vợt nằm xoài ra sân tận hưởng khoảnh khắc chiến thắng.

Nhưng không phải chỉ vì nhẹ nhàng giương hai tay rồi tiến lên phía giữa sân bắt tay kẻ bại trận mà bảo Djokovic không trân trọng chức vô địch ở Indian Wells - Masters 1000 đầu tiên trong năm.

Đó đã là danh hiệu Indian Wells thứ ba của Djokovic, Và là chức vô địch Masters 1000 thứ 17 của tay vợt người Serbia (chỉ kém thành tích 21 Masters của Federer và 26 Masters của Nadal trong số các tay vợt đương đại).   

Djokovic: Lạc bước trong giấc mơ vĩ đại - 1

Djokovic đăng quang tại Indian Wells lần thứ 3 trong sự nghiệp

Ngay sau khi bắt tay Federer và trọng tài, Djokovic đã tiến lên nơi ban huấn luyện của anh trên khán đài, trao cho Marian Vajda cái ôm chặt. Cách ăn mừng này đầy ý nghĩa, cho HLV Vajda và dĩ nhiên, cho cả Djokovic nữa.

HLV Vajda, người đã góp phần làm nên một Djokvic vô địch 6 Grand Slam và 16 Masters 1000 cho tới trước năm 2014, đã dẫn dắt và chứng kiến tất cả những khoảnh khắc vinh quang ấy, nhưng mới chỉ trở lại làm việc trực tiếp với Djokovic cách nay hai tuần.   

Suốt từ cuối năm ngoái, Vajda "được" Djokovic đặt vào vị trí của một HLV bổ trợ, còn Boris Becker mới là HLV chính.

Chúng ta đã từng bàn về sự bổ nhiệm này như một nước cờ nhằm đưa Djkovic trở lại ngôi vị số 1 thế giới, và tiếp tục thâu tóm các danh hiệu Grand Slam thay vì anh trắng tay trong ba Grand Slam cuối cùng năm ngoái.

Nhưng không may, chưa khi nào sự hoài nghi về việc Djokovic có thể trở nên vĩ đại hơn nữa lại lớn hơn kể từ lúc đó.

Ngay cả trận chung kết Indian Wells, tỉ lệ người tin Djokovic sẽ chiến thắng Federer chỉ là thiểu số trong các cuộc thăm dò trước và trong khi trận đấu diễn ra, dù cho Djokovic là số 2 thế giới còn Federer chỉ là số 8.

Khi Djokovic không tin vào bản thân mình

Bản thân Djokovic có lẽ cũng không có nhiều niềm tin đánh bại Federer trong một trận đấu mà gần như cả cái sân có sức chứa 16.000 chỗ ngồi (đã bán hết vé, và là lớn thứ hai trên thế giới) đã cổ vũ cho Federer và cực kỳ phấn khích sau set 1.

Những kỹ năng đã làm nên một Djokovic thống trị thế giới trong năm 2011 và chưa từng bị đánh bật ra khỏi hai vị trí hàng đầu thế giới kể từ đó tới nay không được phô diễn trong cả hai set đầu.

Đầu tiên là giao bóng, Djokovic đã mắc hai lỗi kép trong game đầu tiên anh cầm giao bóng để rồi bị bẻ game dễ dàng trong set đấu đó. Xưa nay, chính cú giao bóng hai đã khiến Djokovic giữ game khá dễ dàng thì anh lại bị Federer khai thác triệt để. Tỉ lệ giao bóng hai ăn điểm năm ngoái của Djokovic là 59% (một trong ba người có hiệu suất cao nhất), thì ở set một của trận đấu này chỉ là 38%.

Djokovic: Lạc bước trong giấc mơ vĩ đại - 2

Djokovic vô địch Indian Wells sau những trận đấu khó khăn và dưới sức

Thứ đến là cú trái tay, vũ khí đã giúp anh trở thành tay vợt hoàn hảo, hầu như không có điểm yếu để đối thủ khai thác, và thậm chí đã dùng nó để chiến thắng Nadal, Murray cũng như Federer.

Nhưng ở giai đoạn khó khăn của trận đấu, Djokovic hiếm khi phát huy được cú trái, thậm chí liên tục mắc lỗi. Trong sáu game đầu tiên của set hai, mỗi khi Djokovic tung ra cú trái để tạo ra các điểm số bước ngoặt thì anh đều mắc lỗi rúc lưới hoặc ra ngoài. Đỉnh điểm của nó là khi Nole đang dẫn 30-15 ở game thứ tư lúc Federer cầm giao bóng, Djokovic đánh rúc lưới sau loạt đôi công hơn hai mươi lần chạm vợt.

Hai điểm break point đầu tiên được tạo ra là khi Djokovic né trái đánh phải chứ không phải bằng cú trái, và điểm break point thứ hai đã biến thành chiến thắng trong game bản lề của set hai là do Federer tự đánh hỏng.  

Trong một trận đấu chơi không hay bằng đối thủ, mà vẫn thắng, thường có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất là đối thủ tự thua trong vài thời điểm quyết định. Và thứ hai là bản thân người chiến thắng biết tìm ra giải pháp để đạt được kết quả tốt nhất. Djokovic thắng Federer nhờ cả hai yếu tố này.

Việc tỉ lệ ghi điểm trực tiếp và tự đánh hỏng của Djokovic là 28/28 còn của Federer là 34/34, hay việc Djokovic dù ghi được nhiều hơn 1 điểm (99 so với 98), nhưng Federer chỉ ghi được 3 điểm trong loạt tiebreak đã cho thấy điều đó.

Federer vào trận với lối chơi tấn công, cố gắng bước vào sân mọi lúc có thể, và luôn tung ra các cú đánh có tính sát thương cao. Federer thực hiện hoàn hảo kế hoạch này trong set 1. Nhưng anh đã quá say đòn, chơi với một trạng thái tâm lý và lối đánh hầu như không thay đổi cho tới khi Djokovic cầm giao bóng ở tỉ số 5-4 trong set 3. Cách chơi ấy có cảm giác như Federer tự phá hủy các cơ hội của anh khi liên tiếp đánh hỏng khi cố dứt điểm trong mọi đường bóng. Chỉ lúc cận kề với thất bại Federer mới điều chỉnh, chơi mềm hơn, cài bóng đầy toan tính thì anh mới bẻ gãy game của Djokovic khá dễ dàng.

Trong khi đó, Djokovic có lẽ là người thứ hai xuất sắc nhất của thế giới tennis hiện nay trong việc tìm ra giải pháp lúc khó khăn nếu như coi Nadal là số 1 ở phương diện này. Djokovic chơi miệt mài và chắt chiu hơn từ set thứ hai, khi không thể tìm được độ chính xác để dứt điểm thì anh cố gắng dồn bóng sâu hơn để Federer không thể áp sát sân và tiến lên lưới. Chỉ tới khi đối thủ thấm mệt và bắt đầu dao động về tinh thần thì một Djokovic trở nên tự tin hơn sau khi rũ bỏ được các sức ép đè nặng, mới ra đòn nhiều hơn.

Cái ôm tạ lỗi

Có thể Djokovic đã không thể lật ngược được thế cờ nếu như người ngồi trên góc khán đài của anh không phải là Marian Vajda.

Với Vajda, một người đã gắn bó với anh gần chục năm, Djokovic không phải chứng tỏ, mà họ biết cần phải làm gì trong các thời khắc quyết định.

Djokovic: Lạc bước trong giấc mơ vĩ đại - 3

Djokovic ôm HLV Marian Vajda sau khi giành danh hiệu đầu tiên trong năm 2014

Nói cách khác, Djokovic tìm lại được sự tự tin với Vajda, người coi lối đánh toàn sân chỉ thích hợp khi Djokovic ở đỉnh cao phong độ, còn khi khó khăn, Djokovic phải dựa vào lối đánh cuối sân để phát huy sự dẻo dai và lì lợm.

Hẳn không phải ngẫu nhiên khi Djokovic lọt vào tới trận chung kết đầu tiên và giành chức vô địch đầu tiên trong năm khi Vajda xuất hiện trở lại.

Nếu không, Djokovic đã không bước lên khán đài để ôm lấy Vajda, người mà Djokovic đã không còn đặt niềm tin tuyệt đối từ mùa Thu năm ngoái. Trước thềm US Open 2013, Djokovic đã mời Wojtek Fibak (cựu chuyên gia đánh đôi người Ba Lan) làm cố vấn, ngồi chung với ê kíp huấn luyện trong mọi buổi tập và trận đấu.

Thực ra, đã từng có lần trước đó, Vajda bị đặt vào chế độ xem lại khi tháng 8-2009, Djokovic thuê Todd Martin (từng vào tới chung kết US Open) làm đồng HLV, nhưng sau đó đã chia tay sau chín tháng vì Martin muốn sửa cú giao bóng của Djokovic mà bất thành.   

Nhưng phải tới lần này Vajda mới gần như bị gạt hẳn ra ngoài để lấy chỗ cho Boris Becker, dù cho Becker không nằm trong số năm cái tên đầu tiên mà Djokovic muốn mời. Trong kế hoạch còn lại của 2014, Vajda sẽ chỉ huấn luyện cho Djokovic hơn chục tuần và cùng đi tới bốn giải (ba Masters Monte Carlo, Madrid, Toronto và ATP 500 ở Bắc Kinh).

Xem ra, cứ đi con đường này, không dễ để Djokovic trở nên vĩ đại hơn.

Clip trận chung kết Indian Wells Masters 2014 giữa Djokovic và Federer:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN