Đắng ngắt tấm HCV của Thu Cúc
Sáng 9-10, VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc (Cần Thơ) đã đoạt chiếc HCV nội dung bảy môn phối hợp Giải điền kinh vô địch quốc gia 2012.
32 tuổi, 17 năm gắn bó với điền kinh, đây là tấm HCV thứ 9 của Thu Cúc tại Giải vô địch quốc gia bên cạnh 2 HCV SEA Games, 1 HCĐ châu Á... Không ít VĐV tên tuổi của điền kinh VN đã thán phục khi thấy Thu Cúc ở độ tuổi 32 vẫn vượt qua các đàn em để giành HCV duy nhất cho đoàn Cần Thơ với 4.742 điểm trên sân Mỹ Đình. Người đàn ông “thép” Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp nam) cũng phải thốt lên khi thấy Thu Cúc: “Em nhìn thấy chị mà sợ quá. Đến em giờ còn không theo nổi mà chị vẫn còn thi”. Không ai biết để giành tấm HCV này, Thu Cúc chỉ có hai tháng tập luyện với giáo án tự soạn.
Là một trong số ít VĐV nhiều thành tích nhất của điền kinh VN 10 năm trở lại đây, Thu Cúc là tượng đài của điền kinh VN ở bảy môn phối hợp. Những VĐV cùng thời với Thu Cúc như Bùi Thị Nhung, Nguyễn Chí Đông, Nguyễn Duy Bằng... và nhiều VĐV khác đều đã giải nghệ hoặc chuyển sang công tác huấn luyện. Trên đường đua dành cho VĐV, có lẽ chỉ còn Thu Cúc với tương lai mờ mịt. Chưa có bằng đại học, không được biên chế làm công chức cho địa phương, Thu Cúc vẫn chỉ là VĐV hợp đồng với Cần Thơ sau 17 năm cống hiến.
Đoạt HCV thứ 9 nhưng tương lai của Thu Cúc vẫn mờ mịt.
Về tương lai của mình, cô buồn bã nói: “Hằng ngày tôi làm việc ở quán cà phê, sau đó đến công ty quảng cáo làm thêm, rồi mới đến sân Cần Thơ tập luyện. Tôi tự lên chương trình, giáo án tập luyện bởi địa phương không có HLV ở nội dung này. 17 năm với điền kinh, khi đỉnh cao thì người ta không cho đi học. Sau này tôi đăng ký học Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ nhưng được hai năm thì năm 2009 tập trung đội tuyển, tôi lại bỏ. Giờ thành phố nói không có bằng đại học nên không thể biên chế cho tôi được. Nay tôi xin đi học cũng không được vì lãnh đạo nói phải tập, nếu đi học thì cắt chế độ.
Trước Đại hội TDTT toàn quốc 2010, Sở VH-TT&DL Cần Thơ nói nếu tôi giành HCV sẽ hỗ trợ tôi 200 triệu đồng vì gia đình quá khó khăn. Tôi đoạt HCV nhưng từ đó đến giờ tiền không thấy đâu. Tôi đi hỏi khắp nơi thì mới đây người ta nói kinh tế khó khăn, không kêu gọi được tài trợ nên không có tiền. Lãnh đạo cũng nói VĐV không được đi làm thêm, vì hợp đồng của tôi với Cần Thơ còn đến tận năm 2014 mới hết. Nếu chỉ chờ vào tiền lương thì tôi không đủ sống và nuôi cả gia đình. Lương VĐV hơn 2 triệu đồng/tháng, cộng với tiền ăn 90.000 đồng/ngày làm sao nuôi nổi cả gia đình?”.
Đem câu chuyện của Thu Cúc để hỏi lãnh đạo Sở VH-TT&DL Cần Thơ nhưng ai cũng từ chối trả lời. Một VĐV kỳ cựu của điền kinh VN có mặt trên sân Mỹ Đình nhìn Thu Cúc mà xót: “Tôi cũng là VĐV tài năng, sau khi giải nghệ địa phương tạo điều kiện cho đi học rồi biên chế để có việc. Cần Thơ từ xưa đến nay chỉ có Thu Cúc là mang về nhiều thành tích nhất. Vậy mà họ nỡ đối xử như thế. Sau này không biết có ai còn muốn theo nghiệp này!”.
Quân Đội nhất toàn đoàn Ngày 9-10 đã diễn ra các nội dung cuối cùng của giải. VĐV Vũ Thị Hương (An Giang) đoạt HCV cự ly 200m với 23”32. Các HCV khác trong ngày thuộc về: Nguyễn Thị Thu Cúc (Cần Thơ) bảy môn phối hợp; Nguyễn Thành Trung (Nam Định) 200m nam; Đỗ Thị Thảo (Lạng Sơn) 1.500m nữ; Dương Văn Thái (Nam Định) 1.500m nam... Giải kết thúc với bốn kỷ lục quốc gia. Đoàn Quân Đội đứng đầu bảng tổng sắp với 8 HCV, Hà Nội thứ hai với 6 HCV, hạng ba là Nam Định với 4 HCV. |