Azarenka ở đâu trong số các nữ hoàng?

Đương kim nữ hoàng quần vợt Vika Azarenka đứng ở đâu trong số những tay vợt từng ngự trị trên ngôi số 1 làng banh nỉ của phái yếu?

* Cũng là dạng số 1 cửa dưới 

Hình ảnh trùm kín khăn mặt để giấu đi những giọt nước mắt sau khi thất bại trong trận chung kết US Open cho thấy nỗi đau tột cùng của Azarenka. Cô đã dẫn 5-3 trong set đấu cuối cùng, rồi lại để cho Serena thắng liền bốn game sau đó và ẵm chiếc cúp Grand Slam danh giá. 

Nhưng không phải là bất ngờ khi cô gái người Belarus nói rằng cô không hề hối tiếc khi để tuột khỏi tay chiến thắng. Azarenka thừa nhận sự xuất sắc, đẳng cấp của Serena trong cuộc đối đầu đỉnh cao này. Trong bốn game cuối, Azarenka không mắc những lỗi mang tính tâm lý hay hạn chế về kỹ thuật, mà đơn giản là Serena đã chơi cực hay với khả năng phòng ngự cùng tấn công xuất sắc. 

Ở đây, cô cũng giống như hàng loạt những tay vợt nữ khác, không còn tin vào thứ hạng của chính mình hay của đối thủ nữa. Azarenka là đương kim số 1 thế giới, còn Serena trước khi bước vào US Open chỉ đứng thứ tư. 

Cảm xúc này hoàn toàn khác so với những gì đã diễn ra ở London trước đó ít tuần, khi Azarenka giành tấm huy chương Đồng mà vẫn ăn mừng tưng bừng, bởi đây là sự kiện được bao phủ bởi tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo. 

Dù không gay gắt nhưng một lần nữa người ta lại phải hỏi là liệu Azarenka có thực sự xứng đáng với ngôi vị số 1 thế giới của làng banh nỉ nữ? 

* Azarenka không đáng xấu hổ 

Nhưng nếu chỉ lấy tiêu chí đấu với Serena - một tay vợt nữ dù đã 31 tuổi nhưng vẫn chơi với một sức mạnh thể lực vượt trội làm chúng ta có thể lấy hình ảnh yếu trâu so với khỏe bò, thì hiếm có ai trên thế giới hiện nay đủ xứng đáng để ngự trị vị trí số 1 thế giới cả. Wozniacki cũng đã bại trận khi đụng phải Serena ở Olympic mà chỉ ăn được ba game, trong đó bị thua 0-6 ở set đầu. Sharapova, người đã lên ngôi số 1 thế giới sau chức vô địch Roland Garros thậm chí còn thua thảm trước Serena ở chung kết Olympic với tỉ số 0-6, 1-6. Một cựu số 1 thế giới khác, Jelena Jankovic chỉ thắng được bốn game khi đụng phải Serena ở vòng 1 Olympic. 

Còn những tay vợt từng ngấp nghé lên ngôi số 1 như Radwanska, đương kim số 2 thế giới cũng đã thua Serena trong trận chung kết Wimbledon, trong đó có set đầu 0-6. Cựu số 2 thế giới Vera Zvonareva chỉ thắng được đúng một game khi vấp phải "voi còi" Serena. 

Từ những thống kê kể trên, nếu có một sự chỉ trích nào đó, thì đó chỉ có thể là sự lựa chọn chỉ tập trung vào các giải lớn của Serena. Sự lựa chọn ấy quá thông minh, nhưng cũng quá ích kỷ, không có lợi cho phong trào tennis. Người ta cần sự hiện diện của các ngôi sao hàng đầu ở nhiều nơi trên thế giới một cách đều đặn để nuôi dưỡng phong trào phổ thông và cả đỉnh cao. 

Nếu như chỉ tập trung giữ sức và lấy điểm rơi phong độ cũng như tâm lý ở một thời điểm nhất định, còn các giải nhỏ thì bỏ qua hoặc chỉ tham dự với một trạng thái tâm lý hời hợt, có thể tin là nhiều tay vợt nữ khác cũng có thể tạo nên những thành tích ngoạn mục kiểu như Serena (dù xác suất có thể không bằng). Sam Stosur, thậm chí là Kvitova, Azarenka hay Sharapova đều có thể làm được điều đó. 

Azarenka ở đâu trong số các nữ hoàng? - 1

Azarenka còn lâu mới theo kịp được đẳng cấp của Serena Williams

* Azarenka đứng ở đâu trong các số 1 thế giới 

Thông thường, có hai tiêu chí lớn để xác định tầm vóc của những người dẫn đầu bảng xếp hạng của ATP và cả WTA, thứ nhất là ở số tuần và thứ hai là ở những danh hiệu Grand Slam mà họ giành được. 

Nếu tính về số tuần, Azarenka với hơn 30 tuần dĩ nhiên chỉ là "cái móng tay" so với những đàn chị Henin, Serena, Seles, Hingis... và càng không thể bì với những tiền bối huyền thoại như Evert, Navratilova, Graf... Nhưng cô lại xuất sắc hơn cả Sharapova, người từng có bốn lần lên ngôi số 1 thế giới ở các thời điểm khác nhau, nhưng mới chỉ có đúng 21 tuần cô đứng ở vị trí đó. Cô cũng hơn Kim Clijster, người có 20 tuần hay những Safina, Ivanovic Jankovic đều chưa tích lũy đủ số tuần cho tròn nửa năm. 

Nhưng tiêu chí thứ hai mới đáng kể hơn tất thảy, bởi lịch sử đôi khi chỉ lưu danh những người làm nên các giây phút huy hoàng ở các giải đấu. Danh hiệu Australian Open 2012 vì thế đã đưa Azarenka bước vượt lên khỏi ranh giới của những tay vợt nữ có mác nữ hoàng nhưng lại chẳng (hoặc chưa) có Grand Slam nào trong tay như Safina, Jankovic, Wozniacki. 

Lẽ thường chúng ta vẫn xếp Australian Open ở một thứ hạng khiêm tốn nhất trong hệ thống Grand Slam, bởi giải đấu ấy diễn ra ngay vào đầu năm lại không khắc nghiệt bằng Roland Garros, kém danh tiếng so với Wimbledon, và thua hẳn về giá trị thương mại so với US Open. Nhưng Australian Open 2012 với riêng các tay vợt nữ là một chuẩn mực đánh giá xác thực đẳng cấp của các tay vợt nữ đương đại (vâng, nếu như chúng ta được phép không tính tới Serena). Ở đấy, khi Wozniacki dừng bước ở tứ kết thì ngôi hậu mở ra cho Kvitova, Azarenka và Sharapova (những người lọt vào tới bán kết cùng Clijsters).

Trên thực tế, ở giải đấu khởi động cho Australian Open, Kvitova đã có cơ hội bước lên ngôi số 1, nhưng cô đã bước hụt ngay trước ngưỡng cửa thiên đường. Ở trận bán kết với Li Na tại giải Sydney, Kvitova cho thấy khát vọng lớn lao của cô, chơi như thể đang đánh Grand Slam, thắng set đầu nhưng lại để tuột trong hai set sau đó. Tài năng số 1 của CH Czech đã nuốt nước mắt vào trong khi trận đấu kết thúc. Cô từng giành Grand Slam, thắng Wimbledon 2011, chỉ cần thêm ngôi số 1 để hoàn thiện và trở thành tay vợt nữ xuất sắc nhất sau Navratilova trước kia ở CH Czech. Thế nên, việc Kvitova thất bại ở Australian Open chỉ là hệ quả tất yếu. 

Sharapova xuất sắc hơn, lọt vào tới trận chung kết, nhưng cô không thể chiến thắng được sự hồi hộp, đã chơi dưới sức khi đối đầu với chính Azarenka. Tỉ số 3-6, 0-6 đã nói lên tất cả, đồng thời giống như một sự tôn vinh đối với tay vợt đến từ quê hương của những chiếc xe máy Minsk (Belarus) nhưng cũng trưởng thành nhờ những năm tháng trui rèn trên thiên đường tennis Mỹ (Arizona).

 * Tương lai của tennis thế giới có thuộc về Azarenka?  

Kim Clijsters đã gác vợt (lần thứ hai) sau US Open. Schiavone cũng đã lớn tuổi và Roland Garros 2010 có lẽ sẽ mãi là đỉnh cao chói lọi duy nhất của cô. Tức là một thế hệ những tay vợt kỳ cựu đã và sẽ không còn chi phối trật tự tennis nữ nữa. 

Ngay cả Serena cũng chuẩn bị tròn 31 tuổi (sinh 21/9/1981). Vấn đề bệnh tật và những chấn thương có thể sớm đưa cô tụt lại gần với vị trí của người chị ruột của mình (Venus hiện không có đủ khả năng cạnh tranh ở các giải lớn). 

Một lớp các tay vợt không quá già (về tuổi), nhưng lại đang cỗi về tài năng, như Kuznetsova, Zvonareva cũng không phải là tương lai của tennis nữ. 

Azarenka ở đâu trong số các nữ hoàng? - 2

Thất bại trong trận chung kết US Open là một bài học kinh nghiệm quý giá của Azarenka

Mà thế hệ các tay vợt trẻ hoặc mới nổi gần đây lại không đủ khả năng để cạnh tranh ở tầm mức đỉnh cao thực sự do thiếu những đặc điểm nổi bật về kỹ năng hoặc thiếu ổn định. Họ gồm Lisicki, Pvalyuchenkova, Georges. Thậm chí, người được coi là có khả năng tạo bất ngờ lớn nhất là Angelique Kerber (Đức) cũng chỉ là một dạng chuyên ủn, đẩy cuối sân và thậm chí còn thiếu mĩ thuật hơn cả Wozniacki. 

Thế thì cạnh tranh với Azarenka trong tương lai chỉ là những người đã ganh đua với cô trong suốt hai năm qua, và họ là những người thua nhiều hơn thắng. 

Tài năng của Azarenka có thể chưa đủ để cô biến thế giới tennis ấy là của riêng mình, nhưng chắc chắn rằng cô sẽ có một phần trang trọng ở đó! 

Azarenka cao 1m83, nhưng cô không phải là một chuyên gia giao bóng. Cú serve của cô chỉ đáng kể hơn những tay vợt Nga mắc bệnh kinh niên về giao bóng lỗi kép. Lối chơi toàn sân của Azarenka cũng mới chỉ được nâng lên một tầm mức đáng kể gần đây nhờ có HLV Sam Symuk (người Pháp), và có sự khích lệ của John McEnroe. Điểm mạnh của Azarenka là các cú đánh cuối sân với khả năng thay đổi hướng đánh cực tốt cả từ phải tay và trái tay. Bộ chân của Azarenka cũng đã được nâng cấp, tới mức bước xoạc (split step) của cô tinh tế bậc nhất lành banh nỉ nữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN