Chính phủ đặt mục tiêu đưa 3-5 ngân hàng Việt lên sàn chứng khoán nước ngoài

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chính phủ cũng nêu mục tiêu có ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại thuộc tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á.

Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ gửi Quốc hội dành nhiều dung lượng đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Cụ thể, từ năm 2016 đến 31-7 vừa qua, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 620.700 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 486.100 tỉ đồng, chiếm 78,3% tổng nợ xấu xử lý; nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là 126.200 tỉ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu xử lý.

Triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và thu được 91.401 tỉ đồng, bằng khoảng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế.

Tính đến 31-7, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức 1,92%, cao hơn so với mức 1,63% vào cuối năm 2019 nhưng vẫn được duy trì, kiểm soát dưới 3%. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 có thể khiến nhiệm vụ duy trì nợ xấu dưới 3% là rất thách thức trong giai đoạn sau 2020.

Báo cáo cũng ghi nhận giai đoạn vừa qua đã xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ 2017-2019, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã tích cực thoái vốn tại doanh nghiệp, tổ chức khác không phải là TCTD, thu về số tiền 2.235,7 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ cơ cấu lại các TCTD vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, tiến độ cơ cấu lại một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp; quá trình xử lý nợ xấu gặp khó khăn một phần do tài sản bảo đảm bị kê biên chủ yếu liên quan đến các vụ án với hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh nên thời gian xử lý kéo dài…

Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cùng đó, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS; tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các TCTD cung ứng.

Một mục tiêu khác của Chính phủ là nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD. Đặc biệt, có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài…

Nguồn: [Link nguồn]

Các ngân hàng ”0 đồng” vẫn đang thua lỗ nặng

Tình hình tài chính của Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN