"Ý thức kém, ở nhà nào cũng cháy"
Bên cạnh hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), ý thức của cư dân cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ trong chung cư.
Các khách mời tại buổi hội thảo Giải pháp an toàn khi cháy nổ chung cư sáng 3-4
Đó là chia sẻ của một số chuyên gia tại hội thảo "Giải pháp an toàn khi cháy nổ chung cư" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 3-4.
Theo thống kê của cơ quan PCCC TP HCM, trong năm 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 11 vụ cháy chung cư và nhà cao tầng. Điều này đã khẳng định chung cư vẫn là giải pháp an toàn nhất nếu hệ thống PCCC được xây dựng đúng quy định.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và Công sở, Sở Xây dựng TP, cho biết trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ phát triển nhà ở, chung cư tại TP HCM đã tăng nhanh gấp 2 lần so với thời điểm năm 2009. Đây là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển đô thị.
Hiện tại, các quy định của pháp luật về PCCC, quản lý vận hành chung cư đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó, có thể kể đến việc các chủ đầu tư khi bàn giao công trình đã không thực hiện đúng các quy định về PCCC, về kiểm tra chất lượng dự án…
Bên cạnh đó, việc xây dựng không đúng tiêu chuẩn quy định, sử dụng không đúng công năng, trang bị không đầy đủ các hệ thống phòng chống cháy nổ… cũng là những vấn đề thường xuyên mắc phải của nhiều chủ đầu tư.
Một vấn đề khác được ông Hải nêu ra là ban quản trị chung cư chính là đơn vị quản trị trực tiếp, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hệ thống an ninh, an toàn PCCC… nhưng có đến 50% số chung cư hiện nay chưa thành lập được ban quản trị.
Ông Hải cho rằng hiện nay, ý thức người dân sống tại chung cư hiện nay còn khá thấp, thậm chí thờ ơ với mạng sống của mình.
Điều này thể hiện qua việc hầu hết các hộ đến nhận nhà đều không quan tâm tới hệ thống PCCC của chung cư mình xem nó như thế nào, đã được nghiệm thu hay đáp ứng đủ yêu cầu an ninh, an toàn hay không.
Đồng quan điểm, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phóng cháy, Cảnh sát PCCC TP, cho rằng vấn đề không phải ở nhà phố hay chung cư, mà quan trọng nhất là ý thức của người dân và chủ đầu tư.
Theo ông Quang, chung cư, nhà cao tầng là một trong những phân khúc đặt vấn đề an toàn PCCC rất cao. Chính vì thế, từ khâu kiểm duyệt, thiết kế, nghiệm thu… của chung cư hay nhà cao tầng đều phải tuân thủ quy định rất chặt chẽ, đảm bảo tối đa an toàn cho người sử dụng.
Ông Quang đưa ra ví dụ, ngay tại chung cư Carina vừa cháy (quận 8, TP HCM), hệ thống PCCC cũng đã được thẩm duyệt, nghiệm thu, thiết kế theo đúng tiêu chuẩn. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, yếu tố con người lại chấp hành không nghiêm ngặt, chủ đầu tư không tuân thủ đầy đủ quy định về PCCC nên khi xảy ra hoả hoạn, mọi hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động… gần như không hoạt động được.
Ông Quang nêu thực tế hiện nay tại nhiều chung cư, tình trạng câu mắc điện chằng chịt, sử dụng các thiết bị điện không an toàn, lấn chiếm hành lang, vô hiệu hoá thang thoát hiểm… đang xảy ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
"Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, ý thức người dân và chủ đầu tư vẫn là quan trọng nhất, vì đây chính là những người trực tiếp hàng ngày sử dụng, vận hành chung cư. Nếu tuân thủ đúng các quy tắc an toàn, thì dù cháy ở tầng hầm hay bất cư đâu, việc xử lý cũng nhanh chóng và ít để lại hậu quả. Còn nếu không có ý thức, thì ở nhà nào cũng cháy" - ông Quang khẳng định.
Đề xuất chung cư trên 20 tầng phải có sân đỗ trực thăng
Cũng tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Ngọc Quang đã chia sẻ một số kỹ năng ứng phó trong trường hợp cháy nổ tại chung cư.
Cụ thể, khi ở hoặc tới bất cứ chung cư hay nhà cao tầng nào, người dân nên quan sát đường thoát nạn, vị trí thoát hiểm để đề phòng xảy ra sự cố.
Khi sự cố cháy nổ xảy ra, cần bình tĩnh tìm đến đường thoát nạn gần nhất hoặc các phòng lánh nạn (nếu có).
Đối với các nhà chung cư, nhà cao tầng, thang bộ là lối thoát nạn duy nhất và sân thượng là khu vực lánh nạn an toàn.
Tuy nhiên, nếu thang bộ bị nhiễm khói như trong trường hợp chung cư Carina, người dân không nên chạy ra ngoài, mà ngay lập tức vào bên trong căn hộ, dùng khăn ướt chặn các lỗ hổng để ngăn khói vào bên trong. Hiện nay, trong thiết kế quy định cửa căn hộ là cửa chống cháy tối thiểu 30 phút. Do đó, không nhất thiết phải lao ra ngoài nếu cảm thấy không an toàn.
Trong trường hợp khẩn cấp, có thể tìm đến các căn hộ có ban công hoặc lô gia để phát tín hiệu cấp cứu đến lực lượng chức năng.
Trừ trường hợp không còn đường thoát nào, người dân không nên sử dụng các loại thang, dây cuốn để leo xuống dưới mà nên chờ lực lượng chức năng. Trường hợp chết do rơi từ tầng cao xuống tại chung cư Carina chính là minh chứng rõ nét nhất.
Ngoài ra, ông Quang cũng thông tin một chi tiết đáng chú ý, là hiện nay, xe thang tại TP HCM chỉ có khả năng vươn tới độ cao cao nhất là 20 tầng. Hiện tại, nhiều cơ quan, Hiệp hội đang kiến nghị việc chung cư, nhà cao tầng trên 20 tầng thì phải có sân đậu trực thăng. Do đó, trước mắt khi xảy ra cháy, người dân cần tìm phương án tốt nhất cho mình để chờ đợi sự trợ giúp của lực lượng chức năng.
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, nhiều người dân có tâm lý e ngại, thậm chí bỏ ý định mua căn hộ bán tháo căn hộ, chuyển...