Xác định 10 đô thị vệ tinh tại TP.HCM

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, trong đó xác định TP.HCM là trung tâm của khu vực với 10 đô thị vệ tinh.

Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng TP.HCM là trung tâm động lực của vùng; đầu mối của hợp tác liên vùng và quốc tế; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo và khoa học - công nghệ của vùng và cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo nhiều giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao.

Xác định 10 đô thị vệ tinh tại TP.HCM - 1

Bản đồ thể hiện các đô thị vệ tinh tại TP.HCM

Khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động của vùng, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng bộ phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn, nhanh chóng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật trong các ngành kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển cho khu vực các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Khu vực 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác đồng thời khai thác lợi thế các khu vực kinh tế cửa khẩu.

Về phát triển và phân bố hệ thống đô thị, sẽ hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng ngoại vi xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP.HCM. Theo đó, sẽ phát triển các đô thị Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I và đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Đồng thời, TP.HCM sẽ có các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An. Phát triển các hành lang đô thị hóa từ TP.HCM gắn với các trục quốc lộ 1A, 51, 22 và 13.

Quyết định cũng nêu rõ, xây dựng vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại và phân phối; vận tải và kho vận quốc tế; công nghệ thông tin và truyền thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuệ Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN