“Vua” đang trở lại ngai
VCB (Vietcombank) trở thành CP vốn hóA lớn nhất TTCK, VietinBank (CTG) được xem là CP minh bạch, ACB giữ giá cực tốt… là những điểm sáng của CP ngân hàng khi TTCK “chao đảo” trong những ngày qua. CP “vua” đã lấy lại vị thế và đẳng cấp vốn có của mình.
Phiên ngày 15-5 là một trong những phiên điều chỉnh giảm mạnh nhất của TTCK khi VN Index mất hơn 14 điểm, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là việc VCB giảm sàn từ 37.000 đồng/CP xuống 35.200 đồng/CP.
Thực tế, nếu VCB không tăng giá trong ngày 14-5 (ngày VCB niêm yết thêm 1,78 tỷ CP) VN Index cũng “cắm đầu” rất sâu.
2 ngày vừa qua, các chuyên gia phân tích và các NĐT tổ chức đã có cơ hội tiếp cận với lãnh đạo của CTG để nghe những chia sẻ về hoạt động kinh doanh cũng như tình hình chung của ngành NH.
Quý I năm nay, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất trong 12 quý khiến hoạt động huy động và cho vay của CTG sụt giảm nhẹ so với cuối năm 2011.
NĐT đang trao đổi tại một sàn chứng khoán. Ảnh: LÃ ANH
Tuy nhiên, nhờ nguồn thu nhập lãi thuần ổn định, cộng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nên lợi nhuận sau thuế của CTG vẫn tăng hơn 60% so với cùng kỳ 2011, đạt 1.394 tỷ đồng, hoàn thành 20% kế hoạch năm. Một điểm sáng khác của CTG chính là việc phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào đầu tháng 5, bổ sung nguồn ngoại tệ dồi dào cho ngân hàng và chủ động hơn trong việc cho vay ngoại tệ và đầu tư ra nước ngoài.
Chính những điều này đã khiến thị giá CTG có 2 lần tạo đỉnh trong quý I, từ 1.7 lên gần 2.4 (tháng 1) và từ 2.4 lên gần 2.8 (tháng 3), đưa CTG trở thành CP tăng giá mạnh nhất trong quý vừa qua với tỷ lệ 60%.
Mặc dù VCB niêm yết một lượng CP rất “khủng”, nhưng số CP này thuộc sở hữu của cổ đông Nhà nước và xem như không chuyển nhượng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, số CP này gia tăng ảnh hưởng của VCB đối với rổ tính VN Index nên cung cầu của VCB sẽ thay đổi và cục diện của CP này có thể tác động đáng kể đến nhóm CP ngân hàng và cả thị trường trong thời gian sắp tới.
VCB gia tăng ảnh hưởng nhưng lượng cung thực tế trên thị trường lại không tăng. Như vậy có thể thấy sức cầu dành cho CP này nhìn chung sẽ tăng lên, nhất là đối với các quỹ ETF.
Việc VCB niêm yết cổ phần thuộc sở hữu của Nhà nước đã được bàn đến từ khá lâu và như vậy việc gom mua cũng có thể được tiến hành từ trước đây.
Cũng cần lưu ý rằng, không ít lần NĐT cá nhân đã thất bại với chiến lược “mua trước” NĐTNN đối với một số CP có vốn hóa lớn và rơi vào tình trạng khi đã “vào hàng” thì giá không tăng, thậm chí giảm. Bên cạnh đó, các đội lái hay các tay to cũng rất khó có thể “đánh” những CP như VCB hay CTG.
Trong ngắn hạn, có thể VCB tăng giá do kỳ vọng tích cực của thị trường nhưng sẽ khó tăng mạnh. Tuy nhiên, việc các quỹ đầu tư thường chốt NAV vào cuối kỳ có thể là thời gian thuận lợi cho CP này tăng giá. Việc thị trường lao dốc trong những ngày vừa qua đã buộc các NĐT phải “nhìn lại mình” và tiến đến việc gia tăng mức độ an toàn cho danh mục đầu tư.
Với các NĐT có lãi từ đầu năm, việc dành một khoản tiền cho những CP có tính ổn định cao để bảo vệ thành quả của mình là điều sẽ được cân nhắc và những CP ngân hàng như ACB rõ ràng là sự lựa chọn hợp lý. Có thể nói, CP ngân hàng sẽ góp phần gia tăng tính chất ổn định của thị trường trong thời gian tới đây.
Trong trường hợp thị trường khó bứt phá, NĐT có thể trở lại với chiến lược mua CP ngân hàng với số lượng lớn để chờ đợi tăng 500-1.000 đồng rồi chốt lời.
Điều này có thể tạo nên những đợt sóng ngắn cho CP ngân hàng. Những đợt sóng lớn của ngân hàng cũng có thể xuất hiện, nhưng sẽ tập trung riêng lẻ ở những CP có “câu chuyện” nào đó kiểu như STB-EIB, hay HBB-SHB, hoặc những CP có kết quả kinh doanh khả quan như CTG tại một số thời điểm.
Nhưng việc chờ đợi những đợt sóng mạnh của CP ngân hàng đôi lúc không phải thói quen của một bộ phận không nhỏ các NĐT.