Vì sao vốn rẻ không chảy vào bất động sản?
Vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tung ra các gói tín dụng với lãi suất thấp 7-10% nhằm hỗ trợ khách hàng vay mua nhà. Tuy nhiên, nguồn vốn rẻ này vẫn chưa thể chảy vào bất động sản.
Vài tháng qua, các ngân hàng thương mại lớn đã đồng loạt ký kết hợp đồng tín dụng với các chủ đầu tư dự án. Theo đó, khách hàng mua nhà tại những dự án này sẽ được hỗ trợ tín dụng với mức rất hấp dẫn.
Tiên phong trong vấn đề này, là ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cụ thể trong chương trình liên kết 4 nhà, BIDV dành gói tín dụng 4.000 tỉ đồng cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất chỉ 12%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên. Cũng với mức lãi suất này, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố sẽ dành 2.000 tỉ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà.
Đáng chú ý, mới đây, NH TMCP Quốc tế (VIB) tung ra chương trình cho vay mua, xây, sửa nhà với lãi suất chỉ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức của gói tín dụng này là 1.000 tỉ đồng.
Ông Ông Trần Xuân Hoàng - Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, ngân hàng BIDV từ đầu năm đã đưa ra nhiều gói tín dụng dành cho người mua nhà, chủ đầu tư. Trong đó, gói 2.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà thì ngân hàng BIDV đã giải ngân được 500 tỷ đồng.
“Không thể nói là ngân hàng không cho vay mà ngân hàng rất chủ động, tích cực trong việc đưa ra gói tín dụng để hỗ trợ người mua nhà. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do nguồn cung quá lớn và giá nhà đang tiếp tục được dự báo sang năm 2013 giảm nữa do vậy người mua nhà chần chừ, chờ đợi giá xuống. Thực tế, rất nhiều ngân hàng cho vay mua nhà lãi suất trung, dài hạn 12%/năm thậm chí với sự hỗ trợ của chủ đầu tư, lãi vay chỉ có 7%/năm nhưng do sức cầu thị trường yếu vì vậy tốc độ giải ngân vẫn rất chậm” ông Hoàng nói
Tuy nhiên, theo phản ánh thì dường như khách hàng lại rất thờ ơ trước sự “thiện tình” của các ngân hàng và chủ đầu tư.
Chị Phạm Nguyệt Nga (nhà đầu tư) cho biết, các ngân hàng chưa thực sự “cởi mở” với khách hàng vay tiền mua nhà. Bởi trong hợp đồng mua nhà có cam kết vay vốn, các ngân hàng chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất “rẻ” khoảng 3-6 tháng. Trong khi thời gian trả nợ có thể kéo dài 3-5 năm. “Lãi suất luôn luôn biến động, năm 2011 lãi suất đã từng tăng vọt từ mức 12-13% lên mức 25-26%/năm. Vì vậy, chẳng có điều gì đảm bảo rằng, hết thời hạn hỗ trợ, ngân hàng sẽ không điều chỉnh lãi suất tăng. Chính vì thế mà nhiều người vẫn khá thận trọng”, chị Nga cho biết
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, việc ngân hàng tài trợ vốn cho khách hàng, đồng thời chủ dự án tiếp tục hỗ trợ lãi suất chắc chắn sẽ khiến nhiều người có nhu cầu về nơi ở sẽ tính toán lại xem có tiếp tục gửi tiền ngân hàng nữa hay rút tiền ra mua chốn an cư. Tuy nhiên, hiện có hai dạng dự án nhận được sự tài trợ vốn của ngân hàng, đó là dự án đang triển khai hoặc dự án đã hoàn thành.
Với những dự án đã hoàn thành, việc hỗ trợ vốn chủ yếu hướng đến người có nhu cầu về nhà ở, nên việc hỗ trợ lãi suất của chủ đầu tư là không đáng kể. Còn đối với những dự án đang triển khai thì do cần lượng vốn lớn, nhiều chủ dự án sẵn sàng hỗ trợ lãi suất để thu hút người mua nhà. Và để thu hút nhà đầu tư, sắp tới, nhiều chủ dự án sẵn sàng hỗ trợ mức lãi suất còn lớn hơn cả lãi suất ngân hàng - nghĩa là mức lãi suất người mua nhà nhận được có thể là mức lãi suất… âm so với lãi suất thực ngân hàng cho vay.
Theo phân tích TS kinh tế Lê Đạt Chí, các ngân hàng chủ yếu đưa ra mức lãi suất rẻ ở giai đoạn đầu. Vì vậy, người đi vay cần thận trọng và phải lường trước những vấn đề có thể phát sinh, như nguy cơ tăng lãi suất, bởi đa phần thời gian vay thường trên 3 năm trong khi lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 3 - 6 tháng đầu. Chính vì vậy, người vay phải có thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất sau này. Có thể là cộng thêm 3% so với lãi suất huy động để không xảy ra tình trạng lãi suất bị đẩy lên cao ngoài ý muốn như thực tế từng xảy ra. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến việc bị phạt lãi suất nếu trả vốn trước hạn.