Vì sao tỷ giá trung tâm liên tục tăng?

Tỷ giá trung tâm có phiên thứ ba liên tiếp tăng mạnh. So với trước nghỉ Tết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 34 đồng. Cùng lúc, các ngân hàng tăng giá USD. Việc tăng này có bất thường?

Tăng liên tiếp

NHNN vừa công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, áp dụng cho ngày 17/2/2016 là 21.895 đồng, tiếp tục tăng thêm 11 đồng so với hôm qua và tăng 34 đồng so với trước Tết Nguyên đán. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp, NHNN tăng tỷ giá trung tâm sau một thời gian dài giảm giá mạnh. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.551 đồng và tỷ giá sàn là 21.238 đồng/USD.

Vì sao tỷ giá trung tâm liên tục tăng? - 1

Ảnh minh họa

Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng tỷ giá trở lại. Tại phiên mở cửa giao dịch 17/2, Vietcombank mua bán ở mức 22.360-22.430 đồng, tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua bán so với chốt phiên hôm qua. ACB cũng tăng 20 đồng, hiện đang niêm yết ở mức 22.360-22.440 đồng/USD. Trong khi đó, BIDV giao dịch mức 22.360-22.430 đồng/USD. Trên thị trường tự do tại Hà Nội, đồng USD được giao dịch ở mức 22.380 đồng/USD chiều mua vào và chiều bán ra 22.420 đồng/USD.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Ánh Vân-Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, mấy hôm nay tỷ giá biến động có phần do cầu tăng lên. “Trước Tết, NHNN đã thực hiện mua ròng ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Hiện, NHNN làm theo phương án này thị trường êm hơn, thị trường theo điều chỉnh hằng ngày lên xuống hợp lý không bị giật cục. Doanh nghiệp có nhu cầu thì mua kỳ hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa đặt mua có thể do chênh lệch ngắn hạn vẫn chưa cao, ngoại trừ những doanh nghiệp lớn có nhu cầu nhiều”- bà Vân cho biết.

NHNN đang khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Trước đó, NHNN ban hành Thông tư 15 về giao dịch kỳ hạn, khuyến khích sử dụng sản phẩm phái sinh, ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ. Thực tế khi triển khai đồng loạt các biện pháp, doanh số giao dịch kỳ hạn trên thị trường tăng rõ rệt từ dưới 10 triệu USD/ngày lên 100 triệu USD/ngày. “Việc sử dụng giao dịch kỳ hạn có thể mua thoải mái, nhưng thấy giá xuống được hủy giao dịch trạng thái”, bà Vân nói. Dù các chuyên gia dự kiến tỷ giá sẽ điều chỉnh tăng 3-4%- thậm chí là 5% nhưng hiện thị trường khá ổn về tâm lý. “NHNN đã cam kết  hết quý I/2016 chỉ tăng 1% nên kết nối với thị trường rất rõ”, bà Vân nói.

Giảm đầu cơ, găm giữ

Theo Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ Bùi Quốc Dũng, sau khi bắt đầu áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh, thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, thanh khoản của thị trường tốt. “Quan trọng hơn, diễn biến tích cực này của thị trường ngoại hối trong nước diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi”, ông Dũng nói.

Cụ thể, theo ông Dũng, cách thức điều hành tỷ giá mới giúp hấp thu dần các cú sốc bên ngoài và giảm thiểu tác động đối với thị trường ngoại tệ trong nước, cũng như giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Chính vì vậy, các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam, thay vì bị các tổ chức, cá nhân giữ lại với kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng mạnh, đã được bán cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo nguồn cung cho thị trường. Một lượng lớn ngoại tệ bị găm giữ từ cuối năm ngoái cũng dần được giải phóng sau khi NHNN áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, giúp cho nguồn cung ngoại tệ đã có sự cải thiện nhất định.

“Mặc dù nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong tháng đầu năm vẫn ở mức cao. Biểu hiện là trong 3 tuần đầu tháng 1/2016, hệ thống TCTD vẫn bán ròng ngoại tệ cho nền kinh tế nhưng không gây áp lực tăng tỷ giá như các giai đoạn trước (mà vẫn giảm nhanh do tâm lý thị trường đã chuyển từ kỳ vọng tỷ giá tăng sang kỳ vọng ổn định với việc áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới)”, ông Dũng cho biết.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN vẫn luôn kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. “NHNN đảm bảo tỷ giá không biến động quá mức và có đủ biện pháp để thực hiện điều đó. Chính sách tỷ giá đảm bảo ổn định trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng” , bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Cùng với biện pháp xác định tỷ giá trung tâm, NHNN bổ sung cách thức giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh, thay cho hợp đồng giao ngay trước đây. Nếu NHTM muốn mua ngoại tệ, NHNN sẽ bán cho một hợp đồng phái sinh với giá bán cao hơn nhất định, ví dụ 1% trong 3 tháng. Thông qua hợp đồng này, NHNN gửi thông điệp về giới hạn biến động tỷ giá tới NHTM. Các NHTM chủ động thực hiện giao dịch với đối tác, và được hủy ngang giữa chừng để chủ động mua ngoại tệ trên thị trường khi giá trên thị trường tốt hơn giá bán của NHNN. Tuy nhiên, NHNN đảm bảo cung cấp đủ ngoại tệ, là người bán cuối cùng cho NHTM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN