Vì sao nông dân không tiếp cận được vốn?

Chiều 21.8, trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình xoay quanh 2 vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là nợ xấu và giải pháp tiếp cận nguồn vốn.

Nợ xấu không đến mức nguy kịch?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển mở màn: Báo cáo nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 4,47%, nhưng báo cáo của các NHTM lại đưa ra tỷ lệ 8,6% (tương đương 202.000 tỷ đồng) gấp 2 lần báo cáo của NHNN.

Vì sao nông dân không tiếp cận được vốn? - 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước UBTVQH chiều 21.8.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại đưa ra con số nợ xấu hơn 11% rồi Tổ chức quốc tế lại nhận định nợ xấu là 13%. “Nguyên nhân nào có sự chênh lệch này, liệu có phải do báo cáo sai, đồng thời việc làm như vậy có bị coi là vi phạm luật Tổ chức tín dụng và Luật Kế toán hay không?”, ông Hiển hỏi.

Cùng về nợ xấu, các đại biểu Đỗ Văn Đương, Ngô Văn Minh, Huỳnh Nghĩa… cũng đã đặt các câu hỏi liên quan đến nguyên nhân, giải pháp để giải quyết nợ xấu. Trả lời các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Số liệu về tỷ lệ nợ xấu khác nhau như vậy không phải hôm nay mới phát sinh mà có từ lâu trong hệ thống NH.“Khi chưa có tổ chức quốc tế tham gia thì chỉ có 2 con số. Nay thêm con số thứ 3 do các tổ chức kiểm toán, xếp hạng hệ thống NH quốc tế đưa ra” - Thống đốc giải thích. “Theo kinh nghiệm, nợ xấu của chúng ta không nguy kịch quá, tuy đã đến mức báo động” - Thống đốc nhấn mạnh. Hiện các TCTD đã trích lập được 70.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng. Trong đó, 64% các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo và tài sản này chiếm 130% giá trị các khoản vay.

Thống đốc khẳng định: Phải thấy nguyên nhân mới có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu. Trong đó có 5 nguyên nhân chính gây ra nợ xấu: Đó là chính sách vĩ mô, cơ chế, hoạt động thanh tra giám sát, trách nhiệm TCTD và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng 5 nguyên nhân đúng nhưng không đủ. Đại biểu Du Lịch bổ sung, đạo đức kinh doanh của cán bộ NH xuống cấp, giám sát dòng tín dụng không tốt, bong bóng bất động sản cũng là nguyên nhân cốt lõi gây ra nợ xấu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “chốt” lại nhóm câu hỏi về nợ xấu với chất vấn liệu rằng “đến năm 2013, chúng ta có giảm được nợ xấu hay không và giảm được bao nhiêu?”. Thống đốc Bình trả lời: Theo thông lệ quốc tế, nợ xấu an toàn là dưới 3%, đây là mục tiêu chúng ta hướng tới. “Tôi hy vọng rằng ngay trong nhiệm kỳ này nợ xấu sẽ về mức an toàn” - Thống đốc nhấn mạnh.

Lập đề án gỡ khó về vốn cho nông dân

Đại biểu Nguyễn Khắc Tâm đề nghị quan tâm đến các chủ trang trại, chủ nuôi tôm, cá tra với việc cho vay dài hạn hơn bởi những khó khăn đặc thù của ngành này. Thống đốc cho biết: Thời gian qua, NHNN đã lập hẳn một đề án để triển khai tháo gỡ khó khăn cho bà con nuôi tôm và cá tra. Hiện tại, NHNN đã chỉ đạo NH NN&PTNT dãn nợ tới 24 tháng để bà con có điều kiện làm ăn. Thống đốc đề nghị: “Trong quá trình đó nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì thông báo với NHNN ở địa phương để có giải pháp tháo gỡ”.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh chất vấn Thống đốc về thực tế: Người dân Tây Nguyên không tiếp cận được nguồn vốn phục vụ cho sản xuất. Thống đốc cho biết: Trong tháng 9, NHNN sẽ ban hành quy định về việc mở rộng mạng lưới hệ thống NH. NHNN đã chỉ đạo NH NNPTNT đáp ứng nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho bà con, dự kiến sẽ dành 4.000 tỷ đồng để người dân có thể tái canh cây cà phê hiện đã già cỗi” - Thống đốc cho biết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN