Tỷ giá 2016: Khó có cơ hội đầu cơ?
Tâm lý lo lắng vẫn còn hiện hữu khi các yếu tố “nhân hòa- thiên thời- địa lợi” để giữ tỷ giá ở biên độ tăng khiêm tốn dự là có thể “xáo trộn” bất cứ lúc nào. Năm nay, có cơ hội cho “đầu cơ” tỷ giá hay không?
Dự báo sóng tỷ giá khó xảy ra dồn dập. Ảnh: Như Ý.
Tỷ giá VND/USD đã đi qua quý I/2016 bình yên trái với dự đoán trước đó của cả nhà điều hành và thị trường là sẽ tăng ít nhất 1%. Dẫu vậy, tâm lý lo lắng vẫn còn hiện hữu khi các yếu tố “nhân hòa- thiên thời- địa lợi” để giữ tỷ giá ở biên độ tăng khiêm tốn dự là có thể “xáo trộn” bất cứ lúc nào. Năm nay, có cơ hội cho “đầu cơ” tỷ giá hay không? Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đức Độ.
Chưa có sóng
Trái ngược với những biến động dữ dội trong năm 2015, diễn biến tỷ giá VND/USD trong những tháng đầu năm 2016 lại tương đối bình lặng. Giá USD trong 4 tháng qua không những không tăng, mà còn giảm nhẹ, hiện chỉ xoay quanh mức 22.300 VND/USD.
Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua có được một phần là nhờ vào những diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế. Giá dầu thấp, lạm phát tại Mỹ thấp, kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã góp phần khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục trì hoãn đưa ra các quyết định tăng lãi suất. Dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi có vẻ cũng đã qua giai đoạn cao trào, khi thị trường đã “chạy trước một bước” trong năm 2015. Đồng USD, vì vậy, đã giảm giá nhẹ so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới.
Về tổng thể, những yếu tố phân tích ở trên cho thấy, trong thời gian tới sẽ không có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đầu cơ giá lên trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá VND/USD, vì vậy, sẽ chủ yếu do NHNN quyết định dựa trên những yếu tố mà NHNN cho rằng phản ánh “các cân đối vĩ mô” của nền kinh tế. TS Nguyễn Đức Độ |
Về tình hình trong nước, việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong quý I/2016 đã có tác động giảm nhập khẩu và cán cân thương mại trong 3 tháng đầu năm nay đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 1,36 tỷ USD. Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN cũng là nguyên nhân không kém phần quan trọng, thậm chí mang tính quyết định, góp phần vào sự ổn định của tỷ giá. Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, kỳ vọng thu được lợi nhuận trên dưới 1% sau vài tuần nhờ các đợt phá giá mang tính “giật cục” và “dễ đoán” đã không còn. Nhưng điểm then chốt là việc NHNN đã cam kết bán USD kỳ hạn cho các NHTM. Khác với trước đây, lần này NHNN đã đưa ra một lời hứa được đảm bảo bằng tiền để thuyết phục thị trường tin vào những định hướng chính sách của mình.
Về bối cảnh quốc tế, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại và điều này sẽ tiếp tục góp phần làm chậm lại chính sách tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới. Một số dự báo, chẳng hạn như dự báo của nguyên Chủ tịch Fed Ben Bernanke, cho rằng triển vọng đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh trong thời gian tới là không nhiều, bởi nó đã tăng giá quá mạnh trong giai đoạn 2014-2015. Trong quý I/2016 đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng đã chậm lại, xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi và áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ cũng ít đi. Nếu đồng USD không tăng giá mạnh, và đồng nhân dân tệ không giảm giá mạnh, áp lực lên tỷ giá VND/USD trong năm 2016 sẽ không quá lớn.
7,3 tỷ USD tiền gửi - NHTM găm hàng?
Về chính sách, Chính phủ chắc chắn sẽ đặt mục tiêu ổn định tỷ giá. Có một số lý do:
Thứ nhất, nợ công đã ở gần mức trần 65% GDP, còn nợ Chính phủ đã vượt mức trần 50% GDP. Trong bối cảnh các điều kiện vay ODA thời gian tới sẽ bị các tổ chức quốc tế thắt chặt do Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo, việc giá USD tăng mạnh, vì thế, sẽ không có lợi cho việc khống chế nợ công trong mức trần cho phép.
Thứ hai, Chính phủ từ lâu cũng đã chủ trương giảm lãi suất để giảm áp lực trả nợ cho ngân sách và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, áp lực phải giảm lãi suất sẽ ngày càng lớn. Kinh nghiệm từ những diễn biến trong 4 tháng cuối năm 2015 cho thấy, nếu không ổn định được tỷ giá, sẽ rất khó giảm lãi suất.
Về cân đối cung cầu ngoại tệ, tình trạng xuất siêu nhiều khả năng sẽ tiếp diễn. Lãi suất cao cùng các chính sách hạn chế dòng tiền vào bất động sản sẽ làm giảm đầu tư, nhập khẩu cũng như tăng trưởng GDP. Thực tế giai đoạn 2012-2014 cho thấy, tại Việt Nam tình trạng xuất siêu thường đi cùng với tình trạng tăng trưởng thấp, vì khi tỷ lệ tiết kiệm /GDP tương đối ổn định, cả 2 biến số tăng trưởng và nhập siêu đều chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư.
Về tâm lý thị trường, theo các số liệu thống kê mới được công bố gần đây, các NHTM hiện vẫn đang gửi một lượng lớn USD ở nước ngoài (khoảng 7,3 tỷ USD trong quý III/2015). Ở một góc độ nào đó, con số 7,3 tỷ USD này cho thấy tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế vẫn còn cao. Tuy nhiên, mặt khác, đây có thể lại chính là lượng USD bị “kẹt” ở mức giá 22.500 trong giai đoạn cuối năm 2015 và luôn sẵn sàng giải phóng một khi tỷ giá đạt mức “hòa vốn”. Nguồn cung tiềm năng này có thể là nguyên nhân chính khiến cho thị trường ngoại hối trong vài tháng qua thậm chí không có lấy một con sóng nhỏ. Các nhà đầu cơ lớn sẽ chẳng dại gì tăng giá USD mua vào để các nhà đầu cơ nhỏ lẻ “thoát hàng”. Nhưng các nhà đầu cơ nhỏ lẻ cũng sẽ không dễ dàng “cắt lỗ” để chuyển sang kênh đầu tư khác.
Nói cách khác, thị trường ngoại tệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang, trừ khi có những biến động lớn trên thị trường trong nước và quốc tế làm thay đổi căn bản kỳ vọng của thị trường cũng như cán cân cung-cầu ngoại tệ. Thậm chí ngay cả khi đó, thị trường sẽ vẫn phải phân tích xem NHNN đang muốn gì, vì đó là chủ thể lớn nhất trên thị trường.