TS. Alan Phan qua đời và giấc mơ còn dang dở
Ngày 19.10, TS Alan Phan đã qua đời tại Mỹ, khi mọi hy vọng cứu chữa đều không thành. Gia đình ông đã phải chấp nhận rút ống dưỡng khí, để ông ra đi trong thanh thản. Và những giấc mơ vẫn còn dang dở của TS. Alan Phan đã tạm thời khép lại.
Thông tin từ gia đình TS. Alan Phan cho biết, ngày 14.10.2015, TS Alan Phan đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley trong tình trạng hôn mê.
Dù đã được cứu chữa, nhưng TS Alan Phan vẫn không tỉnh lại và bác sĩ cho biết không có hy vọng phục hồi. Để ông ra đi được thanh thản, gia đình đã chấp nhận rút ống dưỡng khí vào ngày 19.10.2015.
T.S Alan Phan năm nay 70 tuổi, là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông. APA chuyên về hoạt động M&A liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc.
TS. Alan Phan
Trước đó, T.S Phan điều hành quỹ Viasa Fund tại Hồng Kông chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008). Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm công ty Hartcourt, có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995- 2002).
Ngoài vai trò một doanh nhân với 43 năm trải nghiệm tại khắp thế giới, ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi; và viết bài cho gocnhinalan.com, Robb Report, Esquire, Saigon Times, Entrepreneur, Biz Live, Thế Giới Tiếp Thị...
Ông cũng là giảng viên thỉnh giảng của một số trường đại học tại Mỹ và Trung Quốc.
T.S Alan Phan tốt nghiệp kỹ sư (BS) tại Pennsylvania State University (Mỹ), thạc sĩ (MBA) tại American Intercontinental University (Mỹ) và tiến sĩ (DBA) tại Southern Cross University (Úc).
Ông cũng nổi tiếng là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc. Là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987); đưa Công ty Hartcourt đạt thị giá US $670 triệu vào năm 1999.
Đồng thời, ông là doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997).
Tên tuổi của TS. Alan Phan được biết đến nhiều nhất khi ông đứng ra tranh luận công khai với CLB Bất động sản Hà Nội về việc cứu hay không cứu thị trường bất động sản đang trên đà đổ vỡ vào những năm 2012-2013.
Theo đó, với kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động và đầu tư trong lĩnh vực này, TS. Alan Phan cho rằng nên để thị trường bất động sản rơi tự do thay vì đổ tiền để cứu nó. Ông cũng ủng hộ quan điểm đưa giá bất động sản xuống mức thấp nhất để những người dân nghèo có cơ hội sở hữu nhà ở cho riêng mình.
Sau đó, cái tên Alan Phan còn được biết đến nhiều hơn thông qua hàng loạt bài viết về các vấn đề nhức nhối trong xã hội.
TS Alan Phan qua đời đã để lại nỗi thương tiếc trong lòng nhiều người Việt. Đặc biệt, sự ra đi của ông cũng tạm khép lại giấc mơ mà ông hằng ấp ủ - giấc mơ mang lại 20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam.
Ông là người sáng lập lên dự án thiện nguyện mang tên “20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam” và tổ chức “Tiếp lửa cho doanh nghiệp Việt”. Ông cũng từng tổ chức và hoàn tất chuyển giao 18.000 xe lăn tại Việt Nam và Indonesia.
Dự án 20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam được ông đề xuất từ năm 2012, với khoản đầu tư là 2,8 tỷ USD.
Mục tiêu của dự án này là làm sao để mọi học sinh, giàu hay nghèo, thành phố hay thôn xa, bỏ tiền mua hay được tặng, sẽ có một máy tính với đầy đủ giáo trình và chức năng tiện dụng trong việc học.
Đây là dự án được ông cho là khả thi và tiết kiệm, thời gian thu hồi vốn trong vòng 2 năm, việc này sẽ trao cho thế hệ trẻ chìa khoá kiến thức của thế kỷ 21. Ông cũng mong nhận được sự tiếp sức không vụ lợi của mọi người.