Tranh cãi nảy lửa về phát triển công nghiệp ô tô

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo Bộ Tài chính giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô.

Tại một hội thảo – triển lãm diễn ra ngày 12-10 ở Hà Nội, khi bàn đến giải pháp để biến cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhờ vào lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ và lực nâng của chính sách thành hiện thực thì giữa các doanh nghiệp (DN), cơ quan nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách lại chưa tìm được tiếng nói chung.

Là một tiếng nói có trọng lượng trong ngành, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ thúc đẩy sản xuất xe và linh kiện ô tô tại Việt Nam nhưng chỉ có thể phát triển được khi thị trường đủ lớn, DN duy trì được sản lượng. VAMA để xuất trong ngắn hạn, cần giảm ngay hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa vì từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN bằng 0%, nếu tiếp tục duy trì chính sách thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay sẽ trở thành chính sách thuế hỗ trợ nhập khẩu. Đặc biệt là chính sách thuế phải nhất quán, không được "lúc nóng, lúc lạnh".

Tranh cãi nảy lửa về phát triển công nghiệp ô tô - 1

Doanh nghiệp đề xuất giảm thuế để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển, trong khi Bộ Tài chính cho rằng giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), đề xuất cần khuyến khích DN nâng cao tỉ lệ nội địa hóa bằng cách giảm thuế thu nhập DN theo tỉ lệ nội địa hoá; thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá trị xe trừ đi giá trị nội địa hóa dùng trên loại xe đó.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), bức xúc: 20 năm qua Việt Nam đã có chính sách bảo hộ rất cao đối với DN ô tô, thuế nhập khẩu linh kiện với nhập khẩu xe nguyên chiếc luôn duy trì chênh lệch 50%-60%, chỉ đến gần thời điểm năm 2017-2018 mới giảm theo cam kết hội nhập. "Tôi rất thất vọng vì tại hội thảo này, ngoại trừ thông điệp đáng mừng của một số DN là quyết tâm xây dựng công nghiệp ô tô, các DN không đưa ra được giải pháp đột phá gì mà lại chỉ tập trung vào thuế, đề xuất giảm thuế. Như thế sẽ không giải quyết được gì vì chính sách thuế đã có hết rồi. DN nên tập trung vào giải pháp khác để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Chúng tôi đã rất vất vả để đưa ra giải pháp về thuế với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nhưng VAMA vẫn không ủng hộ. Giảm thuế nhập khẩu linh kiện phải gắn với sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa vì như thế mới đảm bảo duy trì sản xuất lắp ráp, từ đó mới có CNHT" - bà Hằng giải thích.

Mới đây, Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0%, nhằm bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước, giúp các DN giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thời điểm 2018 thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về 0% đang tới gần. Điều kiện được hưởng thuế suất 0% là linh kiện không sản xuất được ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn có các điều kiện về tỷ lệ tăng trưởng; sản lượng tối thiểu là từ 34.000 xe/năm. Theo điều kiện này, chỉ có 3 DN đáp ứng được.

Theo bà Hằng, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Năm 2004, Chính phủ đã chuyển cách tính thuế nhập khẩu CKD theo linh kiện rời thì thay vì nhập nguyên chiếc, một số DN FDI lại tháo rời ra để hưởng thuế thấp cho linh kiện. Từ đó đến nay tại sao nội địa hóa vẫn thấp như thế. Vậy DN có thực sự muốn nâng cao nội địa hóa không? Chúng tôi rất trăn trở vì biết rằng nội địa hóa phải gắn với cam kết gia nhập WTO nhưng đã mạnh dạn đưa ra kiến nghị nhưng vẫn bị phản đối. Nếu giảm hết thuế nhập khẩu linh kiện làm sao phát triển công nghiệp phụ trợ được. Mục tiêu của chúng tôi là phải giảm thuế có điều kiện. Mong các DN ủng hộ, không nên thời điểm này còn đưa ra quan điểm khác hẳn như thế.

Không đồng tình với quan điểm của đại diện Bộ Tài chính, ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch CNHT Việt Nam, lại cho rằng phải đặt vấn đề ta xây dựng một "nền công nghiệp ô tô" để có chính sách vượt lên thì mới tháo gỡ được, nếu chỉ nhìn đây là một ngành công nghiệp và loay hoay với thuế 0% hay cao hơn thì không thể thành công. "Nếu chị Hằng muốn tham khảo, tôi sẽ cung cấp tài liệu để có cái nhìn vượt qua những ý kiến như trên. Từ năm 1958, Nhật Bản đã có sự đấu tranh trong nội các để đi đến chủ trương là toàn bộ tiền thu được từ sản xuất ô tô không được dùng vào việc gì khác, chỉ để đầu tư làm đường giao thông vì họ nhìn thấy rõ không đầu tư cho giao thông thì không có đường đi, không phát triển được công nghiệp ô tô. Đó mới là đột phá" - ông Tuất nói.

Ông Tuất kể thêm: " Một hội viên của chúng tôi vừa có đơn đặt hàng 200 chi tiết nhưng không làm được vì số lượng phải gấp nhiều lần như thế mới đủ tiền làm khuôn. Để sản xuất cánh cửa xe, chi phí làm khuôn đã mất 2 triệu USD. Nên quy định số lượng là rất khổ cho DN. Không bao giờ ở lần đặt hàng đầu tiên, đối tác đã đặt 10 vạn chiếc như họ cần mà còn "mồi" chán. Họ chỉ đặt 100 hoặc 1.000 cái để xem có đáp ứng được không, quá trình thử nghiệm này không dưới 2 năm, sau đó mới đặt hàng chính thức. Tôi thỉnh cầu đừng để xuất mức thuế gắn với tỉ lệ và số lượng. Muốn làm chính sách hãy đến DN tìm hiểu thực tiễn đi. Đáng lẽ với cách hiểu là "nền công nghiệp ô tô" thì phải dung dưỡng, hãy đọc những cuốn sách của Hàn Quốc, Nhật Bản để thấy họ coi đó là một nền công nghiệp. Còn coi đó là đối tượng quản lý thì không được".

Trông đợi vào nhân tố mới

Đã hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô như một ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô mà thực chất mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản. Giá bán xe vẫn ở mức cao so với khu vực, tỉ lệ nội địa hóa xe con đạt bình quân 7%-10%, tỉ lệ sở hữu ô tô chỉ đạt 23 xe/1.000 dân. Xe sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam vẫn có giá thành cao hơn khoảng 20% so với xe nhập khẩu từ khu vực.

Các DN cho rằng chỉ có một cách để cắt giảm chi phí là tăng tỉ lệ nội địa hoá. Một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, trong đó 70% phải nhập khẩu, riêng chi phí đóng gói, vận chuyển đã rất cao. Kinh nghiệm phát triển ô tô các nước ASEAN cho thấy phải kiên trì thúc đẩy phát triển thị trường và gia tăng sản lượng các dòng xe, tăng cường nội địa hóa giúp tiết giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có những hướng dẫn cụ thể cho giải pháp này.

Ông Võ Quang Huệ, phó tổng giám đốc tổ hợp sản xuất ô-tô Vinfast, đưa ra những tín hiệu tích cực từ một DN mới tham gia thị trường khi cho biết đã ký kết với VAMA, Toyota và trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các hãng ô tô nước ngoài ở Việt Nam để kêu gọi hợp tác đầu tư theo chuỗi. Chiến lược của Vinfast là dành 30% diện tích của KCN Đình Vũ (Hải Phòng) cho các DN công nghiệp phụ trợ, trong đó có các DN Việt Nam. "Tinh thần của chúng tôi là kêu gọi nhiều nhà đầu tư mới vào Việt Nam cùng tham gia chuỗi cung ứng của Việt Nam để đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%-60%, phải đạt tiêu chí chất lượng ô tô, tiếp theo mới là giá cả. Thành công của nhà sản xuất xe hơi không chỉ dừng lại ở năng lực nội tại mà ở mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo nên Vinfast đã phối hợp với các đối tác để giảm chi phí" - ông Huệ nói.

Theo chiến lược của Vinfast, DN này sẽ cung cấp ra thị trường 100.000 chiếc xe con đầu tiên vào quý III-2018 và nâng lên 500.000 chiếc vào năm 2025 để hiện thực hóa giấc mơ sở hữu ô tô của người Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN