Tín dụng xuất khẩu tạo đột phá mới

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với cơ cấu tín dụng từ đầu năm đến nay, việc dư nợ tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực xuất khẩu là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với định hướng ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần nhận thức đúng bản chất về con số tăng trưởng tín dụng 10,76% trong lĩnh vực xuất khẩu. Từ đó có định hướng dòng vốn vào lĩnh vực này hiệu quả hơn.

Cùng nằm trong 3 lĩnh vực được NHNN ưu tiên tập trung dòng vốn, song dư nợ tín dụng với các DN xuất khẩu trong 10 tháng năm 2012 đạt con số tăng trưởng vượt trội hơn hẳn so với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và DN vừa và nhỏ.

Tín dụng xuất khẩu tạo đột phá mới - 1

10 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng xuất khẩu đạt 10,76%.

So với những lĩnh vực từng tăng trưởng nóng, tín dụng xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn. Một số ngân hàng đi trước trong lĩnh vực này chia sẻ, họ đã gặp không ít khó khăn đối với mảng này.

Trước tiên, ngân hàng cần nhân sự giỏi nghiệp vụ xuất nhập khẩu và năng lực thẩm định khoản vay, đồng thời ngân hàng cần có mối quan hệ rộng rãi với các đối tác , tổ chức tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khoản vay cần có các phương thức đảm bảo giao dịch ở mức rủi ro thấp nhất.

Với những khó khăn trên kèm theo lợi nhuận lại không dễ đến ngay như cho vay các dự án lớn, đầu tư “nóng” nên trước đây có không ít ngân hàng hầu như không chú trọng vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay để đạt mức tăng trưởng tín dụng cuối năm; đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu luôn được ngân hàng ưu tiên. Vì thế, 10 tháng qua, tín dụng xuất khẩu lại tạo bước đột phá mới.

Tính đến ngày 31/8/2012, tín dụng xuất khẩu đã tăng 10,76% so với cuối năm 2011; tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 3,82%; tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng 7,15%. Nhóm lĩnh vực này đều có tốc độ cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của hệ thống

Theo ông Phạm Linh, Phó TGĐ Ngân hàng Phương Đông: Hiện nay, hoạt động của ngân hàng Đông Phương đang tập trung vào các DN xuất nhập khẩu và các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu. Bởi, những doanh nghiệp này có khả năng mở rộng thị phần.

Cũng theo ông Linh, thời điểm cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn, giúp ngân hàng tăng trưởng được dư nợ một cách tích cực.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, phần lớn các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp của ngân hàng đều tập trung ở lĩnh vực này. Đơn cử như ngân hàng OCB cho doanh nghiệp xuất khẩu vay với lãi suất chỉ 11 - 13%/năm, còn đối với vốn ngoại tệ dành cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, OCB cũng cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ 6,5%/năm. BaoViet Bank tài trợ xuất khẩu bằng VND, với lãi suất chỉ 7,5%/năm, như lãi suất USD. Trước đó, Eximbank cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng VND theo lãi suất ngoại tệ, chỉ 7%/năm. Không chỉ phía ngân hàng mà các chuyên gia cũng đánh giá cao khả năng quay vòng vốn của các DN thuộc lĩnh vực này.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Tài chính: So sánh với tín dụng nói chung, con số tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực xuất khẩu gấp 3 lần mức tăng trung bình so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này càng lớn hơn so với con số tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Phong cho biết thêm, hợp đồng xuất khẩu thường có thời hạn thực hiện rất nhanh, tối đa là 1 năm, có khi chỉ 3-6 tháng và thậm chí còn nhanh hơn nếu DN thực hiện thu gom xuất khẩu. Vì thế mà các DN này thường vay vốn trong thời hạn ngắn và vay với số lượng lớn, cộng với khả năng hoàn vốn cao. Tất cả các yếu tố này giúp các ngân hàng tính toán nhanh hơn, giúp giảm bớt rủi ro cũng như giảm bớt chi phí trong quá trình cho vay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng con số tăng trưởng tín dụng 10,76% ở lĩnh vực xuất khẩu cũng phải nhìn nhận một cách thấu đáo. PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi – Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank cho rằng: Trong con số tăng trưởng xuất khẩu 10,76% thì các doanh nghiệp còn tạm nhập và tái xuất rất nhiều. Có những mặt hàng tạm nhập tái xuất rất mạnh như điện thoại, linh kiện điện tử, trong khi đó những lĩnh vực những năm trước đây tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rất cao nhưng 2012 thì hạn chế, ví dụ như dệt may, nông sản…

Các chuyên gia cũng cho rằng diễn biến trên có thể có lợi cho một bộ phận doanh nghiệp, song mức độ hiệu quả sử dụng vốn cho cả nền kinh tế có thể hạn chế. Do đó, trong những tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại cần định hướng cụ thể hơn đối tượng cho vay nhằm hướng dòng vốn vào các nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh, tạo ra hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm rủi ro và tối đa lợi nhuận cho ngân hàng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN