Tín dụng mới cho tam nông: Giảm lãi suất, nâng mức cho vay

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được ban hành đã ghi nhận nhiều thay đổi có lợi cho người  nông dân khi vay vốn sản xuất, và cũng nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng một cách hiệu quả.

Nâng mức cho vay không cần thế chấp

Nghị định mới này đã bổ sung đối tượng được nhiều ưu đãi khi vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước đó, những hộ nông dân sống ở thị trấn, thị tứ, sống ở thành phố, đô thị không nằm trong diện được vay theo Nghị định cũ (NĐ 41) gây nhiều trở ngại, khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tín dụng mới cho tam nông: Giảm lãi suất, nâng mức cho vay - 1
Sản xuất nông  nghiệp hy vọng  thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi (ảnh minh họa, chụp tại hội sở Agribank Hà Nội). Ảnh: Đ.D
 

Điểm đặc biệt hơn cả, là Nghị định 55 đã nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo (không thế chấp). Theo đó, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (Nghị định 41 là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng). Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá... cao hơn các lĩnh vực khác.
 

Với những dự án ứng dụng công nghệ cao hay đối tượng tham gia chuỗi liên kết, có thể được vay không có tài sản đảm bảo đến 70 - 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh.

Một điểm mới khác là khách hàng vay vốn nếu tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ được tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng. Nghị định mới cũng quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Cần có sự giám sát

Về những điểm mới của Nghị định này, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được bổ sung, sửa đổi có thể nói là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Agribank Nam Định cho biết, điểm bổ sung quan trọng của Nghị định 55 so với Nghị định 41 là sẽ có nhiều bà con nông dân thực thụ sẽ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các ngân hàng sẽ có điều kiện cung ứng vốn tốt hơn cho lĩnh vực tam nông, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, xét về yếu tố khả thi của những điểm mới sửa đổi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Về mặt chủ trương thì những điểm mới được sửa đổi trong chính sách ưu đãi tín dụng cho tam nông là rất tốt, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của số đông các hộ nông dân. Nhưng lâu nay, nhiều chính sách ưu đãi thường bị “đánh giá” là mang tính “hô hào”, khó thực hiện. Do đó, phải có sự giám sát chặt chẽ của người dân, xã hội.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận rõ hơn: “Tôi lo lắng những quy định này sẽ không đi đến đâu, khó khả thi vì hầu hết các ngân hàng sẽ không dễ dàng cho vay không thế chấp với khoản tiền lớn bởi còn liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng ”.

“Muốn cho những quy định này đi vào thực tế, tôi cho rằng cần phải thành lập và mở rộng ngay các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Lâu nay chúng ta mới chỉ phát triển quỹ bảo lãnh trong lĩnh vực sản xuất, nay cần mở rộng thêm nữa trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân mà nếu không có bảo lãnh ấy ngân hàng không dám cho vay”- ông Trí Hiếu cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN