Tiết kiệm nhà ở: Tiền trượt giá, nhà... trong mơ
Để tiết kiệm được vài trăm triệu đồng gửi tiết kiệm mua nhà, người thu nhập 10-15 triệu/tháng phải tích cóp trong 10-15 năm, nhưng liệu đến lúc đó số tiền tiết kiệm và vay thêm có còn mua nổi nhà?
Tại một cuộc hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, năm 2017 là thời điểm thích hợp cho sự ra đời của ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên ở nước ta.
Ngân hàng này cũng đã được Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Theo đó, ngân hàng tiết kiệm nhà ở có hình thức là một công ty cổ phần, hoạt động quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng để huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở. Mục đích là cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm vay để mua nhà ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có.
Nguồn vốn để hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ từ vốn tự có của các chủ sở hữu tham gia thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn hỗ trợ từ nhà nước (nếu có)…
Ngân hàng này nhận tiền gửi có trả lãi suất của người có nhu cầu tham gia gửi tiết kiệm để mua nhà, sửa nhà nhưng chưa có đủ để làm ngay và cũng chỉ cho các đối tượng này vay với lãi suất luôn thấp hơn lãi suất thương mại trong thời gian từ 10 - 15 năm hoặc lâu hơn nữa.
Đồng tình về ý tưởng thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là rất tốt, rất hay nhưng ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành khá băn khoăn ở khâu thực hiện mới là khâu khó khăn nhất.
“Thời gian ban đầu lấy vốn từ đâu ra, huy động tiền từ người dân phải làm sao có đủ tiền trả lãi cho người dân và đủ tiền cho người dân vay khi đủ điều kiện?, người điều hành ngân hàng này phải là người năng động, điều hành giỏi làm sao kinh doanh phải có lãi…” ông Đực lo lắng.
"Người có thu nhập thấp, khoảng 5 triệu đồng/tháng khó “chạm” tay vào ngân hàng tiết kiệm nhà ở này".
Vị Phó Giám đốc này nói thẳng: “Nếu muốn những đối tượng thu nhập thấp có thể mua được nhà thì không chỉ phụ thuộc vào việc được vay lãi suất thấp mà chủ yếu phụ thuộc vào giá trị căn nhà phải được kéo xuống thấp, chỉ khoảng 200- 300 triệu đồng/căn”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở rất hay nếu thực hiện được bởi đây cũng là một cách “đổ” vốn vào thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ông Liêm lại băn khoăn: “Bộ Xây dựng đưa ý tưởng hay nhưng liệu phía ngân hàng có hưởng ứng hay không?”
Mặt khác, theo nguyên Thứ trưởng Phạm Sỹ Liêm: “Sở dĩ mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở thành công tại Đức vì đồng tiền Đức khá ổn định. Còn tại nước ta, nếu bây giờ một căn hộ khoảng 600 triệu đồng, muốn đủ điều kiện được vay thì phải tiết kiệm được 300-400 triệu đồng, mà để có số tiền đó cũng phải mất 10-15 năm, thậm chí lâu hơn với những người thu nhập thấp. Liệu lúc đó, với số tiền 600-800 triệu đồng có còn đủ mua được nhà khi đồng tiền gửi mất giá?”
Ông Liêm cũng cho rằng: Mô hình ngân hàng này sẽ chỉ có lợi hơn đối với những người dân có thu nhập trung bình, khoảng 10-15 triệu đồng/tháng. Còn với những người có thu nhập thấp, trừ chi phí thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng cùng lắm cũng chỉ gửi được khoảng 2-3 triệu đồng thì phải rất lâu mới có thể vay được.
Mặc dù Ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã được đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, nhưng theo ông Liêm, từ dự thảo đến luật và hàng loạt văn bản hướng dẫn cần có đối với một lĩnh vực phức tạp liên quan đến cả ngành ngân hàng và ngành bất động sản sẽ không dễ tìm được sự đồng thuận để ra đời trong tương lai gần.
Đấy là chưa kể, khi thực hiện, nguyên tắc của tiết kiệm nhà ở là huy động thấp và cho vay thấp hơn thị trường. Vậy liệu người dân chúng ta có dễ dàng chấp nhận gửi lãi suất thấp để khoảng 10 - 20 năm sau được vay lãi suất thấp? Chưa hết, vấn đề lo lắng mà ông Liêm đã đưa ra về việc tiền gửi mất giá trong một thời gian dài chờ tiết kiệm được 50% giá trị căn nhà để vay cũng là điều đáng quan tâm trước khi ngân hàng tiết kiệm nhà ở được thành lập.