Tập đoàn: Tụt dốc vì “thí điểm” rộng

Sau 7 năm thành lập, các Tập đoàn (TĐ) kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập. Thế nên, mới đây, Chính phủ chính thức cho giải tán 2 TĐ xây dựng là TĐ Sông Đà và TĐ HUD. Đây là một giải pháp khá an toàn để bảo tồn, chăm chút cho những TĐ còn lại và thẳng thắn nhìn nhận lại cách quản lý các TĐ.

Không phải thích thì làm

Quyết định giải thể mới đây của Chính phủ cho 2 thương hiệu lớn trong lĩnh vực xây dựng là TĐ Sông Đà và TĐ HUD xuất phát từ thực tế không đạt mục tiêu đề ra là hình thành các TĐ xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực BĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh, đấu thầu quốc tế. Theo nhận định của Bộ Xây dựng, sau hơn 2 năm thí điểm thành lập mô hình tổ chức mới, do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con nên dẫn đến rất nhiều bất cập.

Có thể nhận thấy, tất cả các TĐ kinh tế của ta đều đang trong giai đoạn thí điểm. Về nguyên tắc, đã là thí điểm thì có thể thành công hay thất bại, nên phạm vi thí điểm phải hẹp, sau một thời gian phải tổng kết, nếu khẳng định thành công thì mới triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế.

Tập đoàn: Tụt dốc vì “thí điểm” rộng - 1
Mặc dù liên tục thua lỗ nhưng nhìn mức lương ngành điện, nhiều người “thèm’.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc giải tán 2 TĐ trên là sự phản ứng kịp thời trước một thí điểm không thành công. Nhưng “thí điểm thành lập TĐ là việc làm khoa học, là quá trình tốn nhiều công sức và tiền bạc của nhiều DN, nhà nước. Bây giờ dừng lại thì câu hỏi là phương án và kết quả thí điểm ra làm sao, điều cần phải rút kinh nghiệm là gì. Phải đánh giá, báo cáo xem cái gì làm được và chưa làm được, vì sao giải tán, chứ không thể thích thì làm, không thích thì thôi”.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đã là thí điểm, nếu không thành công thì thôi không thí điểm nữa. Nhưng “điều quan trọng là phải phân tích được vì sao mô hình TĐ lại không thành công. TĐ nào thành công, TĐ nào không thành công và tại sao? Vì không phải tất cả TĐ đều không thành công. Cái quan trọng nhất để đi đến quyết định giữ mô hình TĐ hay không, hoặc ở lĩnh vực nào thì nên giữ mô hình TĐ và quản lý mô hình này như thế nào, cần phải có tổng kết đúc rút, nếu cứ thích thì làm, không thích thì thôi là không được”.

Cũng theo ông Doanh, ở các nước khác, TĐKT là của tư nhân và họ chăm cho nguồn vốn của họ. Ở Việt Nam, TĐ KT là của Nhà nước, phần quản lý vốn và chủ sở hữu ở các TĐ NN lại không có quy định. Các TĐ chỉ hoạt động theo luật Doanh nghiệp, và luật cũng chỉ quy định các TĐ là một tổ chức kinh tế lớn, các quy định khác do Chính phủ ban hành, hầu như không có luật, cho nên vẫn còn nhiều sơ hở. “Vì thế mô hình TĐ ở các nước khác thành công không có nghĩa là mình thành công. Kinh tế nhà nước không có quy định chặt chẽ về quyền chủ sở hữu, về trách nhiệm, về công khai minh bạch, thì rất có thể người ta sẽ kinh doanh bằng vốn nhà nước. Có người cho rằng kinh tế nhà nước là đánh bạc bằng vốn của người khác. Tức là sử dụng vốn ấy làm lợi cho cá nhân. Vì thế cần nhanh chóng khắc phục việc thí điểm thành lập TĐ, để nó kéo dài 7 năm trời là thiếu sót hết sức nghiêm trọng”.

Về tương lai của mô hình TĐ, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, “việc các TĐ bị giải tán không có nghĩa mô hình TĐ là sai, mà là áp dụng nó bây giờ không phù hợp. Có thể cái mà mình gọi là TĐ đó thực ra nó không phải là mô hình TĐ, thật ra nó chỉ là mô hình lắp ghép thôi. Không thể vì mô hình TĐ vừa rồi không thành công mà mình ko làm nữa”.

Tập đoàn và những con số “hot”

Việt Nam bắt đầu thí điểm thành lập các TĐ kinh tế vào năm 2005. Vào thời điểm ấy, các TĐ kinh tế mang theo rất nhiều kỳ vọng về một nền kinh tế uy lực, tráng kiện. Tuy nhiên, nhìn lại sau 7 năm, các TĐ đang dần đánh mất vị thế và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế bởi cung cách kinh doanh độc quyền, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, đầu tư dàn trải... khiến nhiều TĐ liên tục làm ăn thua lỗ, gây tổn thất lớn.

Tập đoàn: Tụt dốc vì “thí điểm” rộng - 2
Vinashin là một minh chứng đổ vỡ TĐ

Một ví dụ điển hình, gây bức xúc cho dư luận là vụ việc liên quan đến 2 TĐ Vinashin, Vinaline và những khoản thất thoát kinh hoàng.

Tháng 4/2012 dư luận đã chứng kiến vụ án “Thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng“ của lãnh đạo TĐ Vinashin. Vì “thiếu trách nhiệm” trong quản lý do vậy đã làm mất trên 85.000 tỷ đồng.

Rồi lại đến Vinalines với những kết luận mới của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho tính thấy sơ bộ công ty này đã lỗ trên 1.685 tỉ đồng.

Hay nói đến vấn đề độc quyền, trong khi đa số các ngành khác đều phải cạnh tranh để tồn tại, thì ngành điện vẫn chỉ vận hành theo mô hình liên kết dọc, chiếm giữ thế độc quyền, thể hiện qua việc TĐ Điện lực (EVN) đang sở hữu phần lớn công suất các nguồn điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, EVN kinh doanh không hiệu quả, liên tục thua lỗ, nợ hàng năm tăng cao, dẫn tới thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cộng với việc hạch toán thiếu minh bạch khiến EVN đánh mất lòng tin của khách hàng... Nhưng, có một nghịch lý là kết quả thanh tra về mặt bằng lương của EVN lại cho thấy thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên ngành điện thuộc hàng “top”, với mức lương bình quân của công nhân viên khoảng 7 triệu đồng/tháng; của cán bộ quản lý từ 20 - 40 triệu đồng/tháng.

Hầu hết tập đoàn kinh tế Nhà nước đều chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh ở những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, theo đó hiện nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khối doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2011, dư nợ vay ngân hàng của khối doanh nghiệp nhà nước này tương đương 16,9% tổng dư nợ cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN