Tăng lương thối thiểu: DN lo, người lao động... “sợ”

Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng ngày 6/8 vừa bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015. Phương án đạt 9 trong tổng số 14 lá phiếu đã được lựa chọn. Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000 - 350.000 đồng.

Nghịch lý người lao động “sợ”… tăng lương

Trước thông tin về mức lương tối thiểu vùng vào năm 2015 sẽ tăng tới 400.000 đồng/tháng, không chỉ các doanh nghiệp mà công nhân cũng lo lắng. Việc tăng lương ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, chi phí sinh hoạt hằng ngày của họ.

Ghi nhận tại khu CN Bắc Thăng Long, Hà Nội, theo quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động năm 2013 thì khu CN này thuộc vùng 1, mức lương tối thiểu là 2.700.000đ/ tháng. Trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp đều trả lương cho công nhân vượt mức tối thiếu, trên 3.000.000đ/ tháng, tuỳ theo kinh nghiệm và thâm niên làm việc. Với mức lương như vậy, nhiều công nhân chia sẻ họ sống khá eo hẹp.

Chị Lê Thị Bích Nhung (24 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) làm công nhân Công ty Matsuo được 4 năm, lương hiện tại là 3,9 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm ở một công ty sản xuất đồ dùng nội thất, thu nhập 4,5 triệu đồng/ tháng. Hai vợ chồng trẻ tiêu dùng tiết kiệm cũng để ra được chút ít, đề phòng khi ốm đau.

Chị Nhung chia sẻ: “Nếu sắp tới tăng lương tối thiểu thì chưa chắc tôi sẽ được tăng lương. Bởi công ty tôi tính lương theo thâm niên làm việc. Nhưng chắc chắn nhà trọ sẽ đồng loạt tăng giá, rồi từ mớ rau đến cân thịt cũng tăng theo. Cuộc sống sẽ càng chật vật hơn”.

Tăng lương thối thiểu: DN lo, người lao động... “sợ” - 1

Chị Lê Thị Bích Nhung (24 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) lo lắng việc tăng lương sẽ khiến chí phí sinh hoạt tăng cao, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn.

Anh Nguyễn Văn Minh (20tuổi, Bắc Kạn) làm công nhân mới được 2 tháng ở KCN Bắc Thăng Long với mức lương tối thiểu. Anh Minh lo lắng lương tăng thì tiền nhà trọ cũng sẽ đồng loạt tăng theo. Đồng thời cơ hội tìm kiếm việc mới sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, anh Phạm Kiên Định (26 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ) công nhân Công ty Kein Hing Muramotor, KCN Bắc Thăng Long thì lại mong chờ lương tối thiểu tăng. Vợ anh đang làm công nhân ở KCN Quang Minh, lương 2,7 triệu đồng/ tháng. Còn anh nhận mức lương 3,2 triệu đòng/ tháng. Hai vợ chồng anh phải gửi con hơn 1 tuổi về quê nhờ ông bà chăm sóc.

“Lương của hai vợ chồng tôi cộng lại chỉ đủ chi phí ăn ở hằng ngày, mỗi tháng gửi ông bà nội 1 triệu để nuôi con. Quê không quá xa nhưng 4-5 tháng, tôi mới dám về thăm con một lần. Mỗi khi con ốm, hai vợ chồng lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Lương tăng được chừng nào càng mừng chừng đó”, anh Định tâm sự.

Sẵn sàng tăng lương cho người lao động giỏi

Theo ông Phí Ngọc Trịnh – Phó TGĐ công ty may Hồ Gươm, việc tăng lương không nghĩa là tăng thu nhập mà vấn đề tăng lương chỉ là tăng trên danh nghĩa, thực tế cuộc sống của người lao động vẫn thế. Thậm chí, người tiêu dùng phải đối diện nguy cơ giá cả tăng theo lương.

“Bản thân doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu từ lâu, việc tăng thêm vài trăm thì không ảnh hưởng gì đến thu nhập nhưng nó làm tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền phí... cho người lao động”, ông Trịnh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Dương, Phó GĐ công ty sản xuất bao bì tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, HN) cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp điều chỉnh tăng lương là kỹ năng, năng suất của người lao động tăng và doanh nghiệp “ăn lên làm ra”.

Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp đang trong cảnh khó khăn nên việc tăng lương tối thiểu chắc chắn là “tin không vui” tại thời điểm này.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của mỗi người mỗi khác, nếu người lao động có năng suất làm việc cao, doanh nghiệp sẵn sàng tăng lương. Thậm chí ngay cả khi doanh nghiệp khó khăn cũng phải cố gắng tăng lương để giữ chân người tài. Nhưng với người có năng suất kém, doanh nghiệp không thể tăng lương được.

Lý do quan trọng hơn, các doanh nghiệp thường phải mệt mỏi với các thủ tục hành chính nhiêu khê, nên bất cứ điều gì phải động đến thủ tục hành chính cũng đều làm doanh nghiệp quan tâm.

Ví dụ, tăng lương đồng thời phải tăng thêm rất nhiều chi phí khác như tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, chi phí nhà xưởng, điện nước... Trong khi đó, hầu hết mức lương của người lao động đều vượt trên con số 3,1 triệu đồng/tháng từ lâu.

Ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, kỹ năng, năng suất của người lao động còn thấp, chưa chăm chỉ, thiếu tính tự giác. Trong khi việc tăng lương còn tùy thuộc vào kết quả công việc, doanh thu của doanh nghiệp,.

Theo ông Lợi, người lao động Việt Nam cần cố gắng nâng cao tay nghề, làm việc chuyên nghiệp, chuyên cần hơn.

Theo TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, tăng lương là một niềm vui cho người lao động, nhưng bên cạnh đó, nó cũng là nỗi lo lắng cho người tìm nguồn để trả lương.

“Tôi rất đồng ý với một số ý kiến cho rằng, tăng lương nhưng đừng tăng thất nghiệp. Điều đó là rất quan trọng, cần có sự điều hòa cả hai chiều”, ông Thắng nói.

Trước hết tìm mọi cách để giữ được người lao động giỏi tâm huyết với mình. Tạo ra một văn hóa doanh nghiệp. Nhiều khi người lao động họ không đòi hỏi tăng lương, họ cần một môi trường làm việc phù hợp, thích thú, có một sự giao tiếp tốt.

Tăng lương có thể là một yếu tố dẫn đến việc giải thể các doanh nghiệp sẽ tăng lên, doanh nghiệp nợ bảo hiểm, nợ lương nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố thúc đẩy để các doanh nghiệp có một đội ngũ lao động tốt hơn, gắn kết với nhau hơn.

Trong thời buổi kinh tế cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp nào vượt qua sự cản trở đó thì nó sẽ phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng – Thảo Nhi – Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN