SJC không thể chi phối lượng giao dịch vàng

Góc nhìn của ông Đỗ Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI - cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội - về mối liên hệ giữa độc quyền vàng miếng SJC với chênh lệch giá hiện nay.

Theo ông Phú, việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC - sản phẩm của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - cần được nhìn nhận toàn diện, vì có thể đó là cái gốc của nhiều vấn đề trên thị trường vàng hiện nay.

Một số ý kiến vừa qua cho rằng chính sự độc quyền vàng miếng SJC dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá trong nước với thế giới. Ông có đánh giá như vậy không?

Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới không phải là câu chuyện bây giờ mới có, nó là bệnh trầm kha từ rất lâu rồi.

Trong lịch sử thì tại nhiều thời điểm những năm gần đây đều có chênh lệch khá lớn, thường đi cùng với những cơn sốt giá vàng trên thị trường quốc tế và không bị ảnh hưởng bởi việc vàng SJC độc quyền hay không. Dữ liệu so sánh mức bình quân ở các quãng thời gian tháng 11-12/2009, 11-12/2010, 2-3/2011, 9-12/2011 trước khi SJC trở thành thương hiệu độc quyền quốc gia, đều có chênh lệch lớn từ 2 - 3,4 triệu đồng/lượng.

Rõ ràng vấn đề chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và vàng quốc tế không phải chỉ có ở thời điểm này. Nếu nói rằng vì có sự độc quyền vàng miếng SJC nên tạo chênh lệch lớn là không đúng. Trước thời điểm có sự độc quyền vẫn chênh lệch như vậy, thậm chí còn chênh hơn hiện tại.

“SJC không thể chi phối lượng giao dịch trên thị trường”

Ông nghĩ sao về việc độc quyền vàng miếng SJC?

Sau hơn 20 năm, SJC đã thành công trong việc sản xuất vàng miếng SJC, vàng miếng này đã chiếm tới 90% các giao dịch vàng, chiếm khoảng 85% lượng vàng mà người dân và tổ chức đang nắm giữ.

Trong hơn 20 năm qua, SJC đã đưa ra thị trường khoảng hơn 20 triệu lượng vàng, ước chừng gần 750 tấn. Và chính vì chiếm thị phần lớn như vậy và được người dân tin tưởng nên vàng miếng SJC có tính thanh khoản rất cao và chi phối áp đảo trên thị trường.

Thương hiệu SJC là tài sản của một công ty 100% vốn nhà nước, không có bất cứ tổ chức hay cá nhân nào có cổ phần tại SJC Sài Gòn và chia sẻ phần sở hữu đó với nhà nước. Nay, Ngân hàng Nhà nước muốn lấy và sử dụng thương hiệu đó vì lợi ích quốc gia thì không phải tốn tiền mua lại từ một doanh nghiệp. Với 100% vốn nhà nước nên việc chuyển đổi quyền quản lý và sở hữu trở nên rất đơn giản.

Có một điểm cần phân biệt rõ là, vàng miếng SJC chiếm tới 90% các giao dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là SJC Sài Gòn chiếm 90% các giao dịch đó. Hai cái này là rất khác nhau. Vì vậy không có chuyện chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền của doanh nghiệp ở đây, vì anh ta không thể chi phối lượng giao dịch trên thị trường, mà người dân và các tổ chức kinh tế khác trên thị trường nắm giữ vàng SJC là chủ yếu và sử dụng vàng miếng SJC cho hầu hết các giao dịch.

Còn việc chuyển sản xuất vàng miếng từ công ty SJC sang thành độc quyền sản xuất của nhà nước thì theo tôi, cần xem xét những điểm có lợi cho quản lý vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ.

Thị trường vàng trong một thời gian dài bất ổn, tác động đến kinh tế vĩ mô mà nổi bật nhất những năm qua là tỷ giá. Nhưng từ khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng thì hiện tượng nhập lậu vàng giảm mạnh; tình trạng gom giữ USD “chợ đen” để mua vàng vào là gần như không còn. Rất lâu rồi, Ngân hàng Nhà nước mới kiểm soát được tỷ giá ổn định như vậy.

Tôi đánh giá rằng việc giữ được ổn định tỷ giá một phần lớn là do kiểm soát được việc sản xuất vàng miếng. Thị trường vàng miếng tại thời điểm này có thể chưa kiểm soát được, nhưng sản xuất vàng miếng thì đã kiểm soát được.

Hiện Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu. Ba cái độc quyền này tạo điều kiện để đưa thị trường vàng đi vào khuôn khổ. Còn kết quả thế nào thì chúng ta thấy rất rõ là về tỷ giá thì ổn định; giải quyết được căn cơ nạn nhập lậu vàng vì nay có thể hình dung nhà nước đã giữ “cầu dao điện” của cái máy sản xuất ra vàng miếng, vàng nhập lậu dường như không có đầu ra nữa, gần như không còn đất sống.

Việc độc quyền sản xuất cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng vàng trên thị trường, vì lượng nằm trong dân đã rất lớn, có thể tới 350 - 400 tấn; không ảnh hưởng đến quyền người dân được giữ, sở hữu và mua bán. Trong đó vàng SJC đã quá phổ biến nên không còn phụ thuộc hoàn toàn vào công ty sản xuất ra nó nữa.

Thế còn các công ty “họ SJC” có lợi gì trong sự độc quyền này không, như một số thành viên thuộc hệ thống tập đoàn DOJI?

Điều này cũng cần được làm rõ.

Năm 2005, SJC Sài Gòn thực hiện cổ phần hóa 9 công ty, chính là các chi nhánh ở các tỉnh, thành phố. Họ chỉ giữ phần chi phối tùy từng đơn vị. Có những đơn vị như SJC Khánh Hội, SJC Phú Thọ hay hai đơn vị thành viên của DOJI hiện nay là SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng… hiện SJC Sài Gòn chỉ giữ khoảng 40% hoặc thấp hơn.

Những công ty này tuy mang tên SJC, nhưng lại không được nhập khẩu vàng, không được tham gia sản xuất hay gia công vàng miếng thậm chí là dập vỏ bao bì, không được chia sẻ thương hiệu độc quyền.

Họ chỉ là những công ty cổ phần, kinh doanh vàng miếng và trang sức, nên ở đây không có chuyện vì là “họ SJC” nên được lợi ở sự độc quyền. Hiện thị trường vẫn có nhầm lẫn ở điểm này.

Hay với cả bản thân SJC Sài Gòn, như đề cập ở trên cũng không thể độc quyền, vì thị trường này họ tự mua bán với nhau tới 90% các giao dịch là vàng SJC và đã nằm sẵn trong dân, trong các tổ chức từ trước rồi. SJC không thể chi phối được lượng giao dịch đó.

“Doanh nghiệp bám thị trường tốt hơn cơ quan quản lý”

Thế còn những điểm bất lợi, theo ông?

Ở thị trường thì người ta có sự mềm dẻo, linh hoạt. Các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu phát triển và có lợi nhuận. Cho nên nếu doanh nghiệp họ được quyền nhập khẩu, được quyền sản xuất thì họ hoàn toàn uyển chuyển theo sát hơi thở của thị trường.

Còn Ngân hàng Nhà nước là một cơ quan quản lý, chức năng chủ yếu là đóng vai trò quản lý nhà nước chứ không phải là một đơn vị sản xuất và kinh doanh. Cho nên khi thực hiện giải pháp trên, nếu không có sự quản lý, điều hành sản xuất thích hợp và linh hoạt, đưa sản phẩm ra kịp thời giống như doanh nghiệp thì thể nào nó cũng có những nút thắt.

Nay Ngân hàng Nhà nước đang phải đóng vai trò như một doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước với vai trò là điều tiết kinh tế vĩ mô, còn doanh nghiệp đóng vai trò phục vụ nhu cầu của thị trường, phát triển và có lợi nhuận. Hai cái này không phải lúc nào nó cũng song trùng. Theo tôi thì doanh nghiệp có khả năng, bám sát thị trường tốt hơn cơ quan quản lý.

Nếu Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò nhà sản xuất không đặt mục tiêu lợi nhuận, không bám sát được thị trường thì có thể những quyết định không đáp ứng được trúng, đúng những gì thị trường mong muốn. Khi mà chưa đúng, chưa trúng thì chưa phải là một giải pháp hữu hiệu.

Ngoài ra, bản thân vấn đề độc quyền vàng miếng SJC không chỉ tác động vào doanh nghiệp là SJC, mà còn tác động đến 7 thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường. Cho nên phải có sự chuyển hóa sao cho nhịp nhàng, thỏa đáng.

Theo ông xử lý như thế nào để nhịp nhàng, thỏa đáng lợi ích của 7 thương hiệu vàng miếng còn lại?

Tôi thấy Ngân hàng Nhà nước đã có cách giải quyết, gần đây đã cho phép chuyển đổi vàng không phải SJC, cấp hạn ngạch để chuyển đổi với phí 50.000 đồng/lượng. Nhưng, khi chuyển đổi sang SJC phải kiểm định và không phải tất cả các thương hiệu vàng miếng đều lọt qua khâu kiểm định để đảm bảo hàm lượng vàng chuẩn tuyệt đối 999.9 như vàng miếng SJC này.

Trong việc chuyển đổi này, có thông tin cho rằng một số doanh nghiệp bỗng dưng có được chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khi chỉ mất phí 50.000 đồng/lượng…

Theo tôi phải thấy thế này. Hãy thử làm một phép tính, lượng vàng của những trường hợp đó thời gian qua không được lưu thông trên thị trường, họ phải chờ ba tháng để chuyển đổi. Cứ cho mỗi tháng 1,2% lãi suất (14,4%/năm), ba tháng là 3,6%, nếu như nhân với 47 triệu đồng/lượng thì cũng đã mất cỡ 1,7 - 1,8 triệu đồng/lượng cho lượng vàng nằm cất kho chờ chuyển đổi. Như vậy thì cái lợi 2 triệu đồng từ chuyển đổi đó đâu hẳn là lợi lớn. Chưa kể là trường hợp vàng không đạt tiêu chuẩn và bị hồi giả lại thì sao, vì thực tế đã xẩy ra?

Trở lại vấn đề ban đầu, nếu sự độc quyền vàng miếng SJC không phải là nguyên nhân tạo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới như hiện nay, thì theo ông là do đâu?

Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên là giá vàng trong nước với thế giới không được liên thông với nhau, vì không được nhập khẩu một cách tự do.

Thứ hai là vàng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, đến nay vàng không chỉ là phương tiện cất trữ mà còn để đầu tư, lướt sóng… Việc đầu tư về hình thức rất đơn giản và dễ dàng vì nó có tính thanh khoản cao, nên nhiều người tích cóp được ít tiền cũng có thể tham gia. Vì vậy, đám đông đó chịu ảnh hưởng của chính tâm lý “đám đông”, làm cho khoảng cách giá rất dễ bị giãn ra theo cung - cầu ảo, dễ bị giới đầu cơ lợi dụng làm giá.

Thứ ba, tại một số thời điểm nhất định xuất hiện những lực cầu, ví dụ cần thanh khoản, cần trả vàng cho các khoản vay… Những lực cầu đó lớn ở những thời điểm nhất định nó tạo ảnh hưởng. Như chúng ta thấy đang đến thời điểm nhóm các ngân hàng “G5” phải mua cân đối lượng vàng đã bán ra bình ổn trước đây.

Thứ tư là các chính sách điều hành của cơ quan nhà nước chưa thực sự nhạy bén, chưa theo kịp thị trường, chính vì vậy càng làm cho các vấn đề trên có đất để phát triển.

Trước đây còn có nguyên nhân tỷ giá ngoại tệ, nhưng hiện nay bị loại trừ.

“Giải bài toán vàng không dễ”

Vậy theo ông có những giải pháp nào để xử lý tình trạng chênh lệch giá lớn như vậy không?

Giải bài toán vàng không dễ, vì vàng đã nằm ở trong dân, có thời gian dài ăn sâu vào tiềm thức. Theo cá nhân tôi, bài toán căn cơ nhất là nền kinh tế phải ổn định, lạm phát được kiểm soát; người dân không coi vàng là kênh đầu tư mà tin tưởng vào đồng nội tệ, họ so sánh được các kênh đầu tư khác cũng hấp dẫn nhưng đỡ rủi ro hơn vàng.

Tại thời điểm hiện nay thì cả nền kinh tế thế giới đều bất ổn. Chục năm nay, liên tục năm nào giá vàng cũng tăng. Rõ ràng người ta vẫn ưa thích độ lấp lánh của vàng. Cho nên bài toán căn cơ trên không thể một sớm một chiều có lời giải hòan hảo được.

Vậy thì giai đoạn này là phải làm sao điều tiết được nguồn cung. Khi có đám cháy thì cần có đủ nước để dập tắt. Hiện nay không còn ai khác ngoài Ngân hàng Nhà nước làm được, vì với vai trò độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất vàng miếng, hay nói đúng hơn là độc quyền có đủ lượng vàng SJC cần thiết để điều tiết, giải cứu thị trường.

Nhưng thực tế hiện nay Ngân hàng Nhà nước lại không độc quyền được nguồn cung, nó nằm trong dân, vì thế vấn đề là phải lái được nó đi vào dòng chảy mong muốn. Phải có được lượng vàng cần thiết để đủ lực điều tiết. Thực tế một số thời điểm cho thấy khoảng 10 tấn vàng tương ứng trên 250.000 lượng vàng là giải quyết được vấn đề tâm lý và chặn đứng cơn sốt của thị trường, nhưng phải có sẵn vàng miếng chứ không phải hạn ngạch nhập khẩu. Nên chăng dùng một phần dự trữ quốc gia bằng vàng tiêu chuẩn quốc tế chuyển sang vàng SJC để giải cứu thị trường khi cần, vì vàng SJC chuyển sang vàng tiêu chuẩn quốc tế lúc nào cũng được.

Bên cạnh đó nếu sử dụng được việc một phần vàng huy động trong dân làm quỹ vàng bình ổn cũng là một khả năng.

Cũng lưu ý rằng dùng vàng dự trữ hay bỏ tiền ra nhập khẩu không phải là bỏ ngoại tệ vào nằm găm giữ ở vàng trong dân, thay vì đi vào sản xuất kinh doanh. Ở đây cần xét đến tính hai chiều và thanh khoản cao của vàng. Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ điều kiện và công cụ để bảo hiểm rủi ro, để cân đối trạng thái trên tài khoản vàng ở nước ngoài. Khi cần có thể chuyển đổi vàng thành ngoại tệ ngay lập tức.

Khi có một nguồn lực cần thiết như vậy để điều tiết cung - cầu, thị trường hiểu rằng Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng can thiệp, bằng công cụ thị trường chứ không bằng mệnh lệnh hành chính. Và ở đây là tạo thêm yếu tố niềm tin để hạn chế tâm lý đầu cơ.

Thứ nữa là phải thực hiện xác lập và hình thành mặt bằng giá. Vì hiện tại giá hình thành trên thị trường không phải trên giá trị thực. Giá của nó phải xác định từ giá nhập khẩu, phí gia công khá nhỏ với chênh lệch chấp nhận được, chỉ khoảng 400 - 500 nghìn đồng/lượng như Thống đốc từng tuyên bố. Tức là tạo một hành lang giá hợp lý, điều tiết nguồn cung đi vào dòng chảy đó, nếu có méo mó tôi đủ nguồn để can thiệp.

Giả sử có tổ chức nào muốn bán vượt hành lang đó để làm giá thì cũng không làm nổi, vì nguồn cung sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều tiết để điều hòa thị trường và giá cả không thể thoát ly ra khỏi mức giá đã được xác lập liên thông với giá quốc tế. Vấn đề này không phải là kinh doanh theo giá bao cấp của Ngân hàng Nhà nước mà các đơn vị kinh doanh vàng hoàn toàn “play” thị trường trong khung giá có kiểm soát.

Như vậy, bức tranh gồm có độc quyền về nhập khẩu, độc quyền về sản xuất, độc quyền về thương hiệu và bản thân vàng miếng SJC đang chiếm tới 90% thị phần, giờ điều tiết được nguồn cung, xác lập được mặt bằng giá thì những miếng ghép cuối cùng của bức tranh hoàn chỉnh về kiểm soát vàng miếng theo cơ chế thị trường có vẻ như là đã rõ.

Tất nhiên các giải pháp trên đều phải có lộ trình. Như vừa qua Ngân hàng Nhà nước công bố cho chuyển đổi 13 tấn vàng móp méo và “phi SJC” nhưng thị trường vẫn tăng, vì cho đến nay đã ba tuần rồi vẫn chưa thể chuyển đổi ra SJC được ngay nên không có tác dụng. Bởi như khi muốn cắt cơn sốt thì thuốc phải đủ liều và phải có phác đồ điều trị thích hợp. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Vũ (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN