"Siêu chu kỳ" của vàng và dầu đã chấm dứt
Sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra tác động rất lớn không chỉ đối với thị trường 1,3 tỷ dân nội địa mà còn trên phạm vi thế giới. Mặc dù đã phục hồi đôi chút nhưng đà suy giảm liên tục của vàng và dầu trong vài tháng qua cho thấy thập kỷ bùng nổ của hàng hóa đã chấm dứt.
Đối với phần lớn chúng ta, những người không ở trong ngành khai khoáng, đây là một tin tốt, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trở lại bình thường.
Nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc đối với mọi loại vật liệu thô – dầu, vàng, thép, đậu nành, than…, đã đẩy giá các mặt hàng này tăng liên tục nhiều năm qua. Nhu cầu tăng từ các nền kinh tế đang phát triển đã khiến nguồn cung tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và giá tăng cao. Giá gas dường như chẳng bao giờ giảm, vàng lên đến hơn ngàn USD mỗi ounce.
Chính xu hướng đó đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế đặt cược vào Trung Quốc. Vì khó tham gia trực tiếp vào thị trường Trung Quốc, nhiều người đã mua hàng hóa ở những nơi đầu nguồn cung cấp như dầu mỏ từ Nga, quặng sắt từ Australia… Từ đó sợi dây liên kết từ Trung Quốc với mọi hàng hóa trên thế giới được hình thành.
Siêu chu kỳ bắt đầu
Cả thế giới đều tham gia vào thị trường này. Ngay cả các quỹ hưu trí ở Mỹ cũng lần đầu tiên đầu tư vào hàng hóa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng vô tình tham gia vào vòng quay này khi in ra rất nhiều tiền mà một phần trong đó đáp ứng nhu cầu đầu cơ vào Trung Quốc và những thị trường mới nổi.
Giá hàng hóa bắt đầu leo thang. Từ năm 2000 đến 2011, giá đồng tăng 450%, giá dầu tăng 365% và giá vàng tăng hơn 500% lên mức trên 1.900 USD/ounce. Đã có những bàn luận cho rằng giá dầu có thể lên đến 200 USD/thùng và vàng đạt 10.000 USD/ounce. Đó là thời kỳ mà mọi dự đoán dựa trên giả thiết rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ thiết lập một “siêu chu kỳ” trong đó giá hàng hóa tăng vô hạn định.
Giá hàng hóa, như dầu và vàng, thường có xu hướng tăng khi lòng tin vào hệ thống tài chính giảm và ngược lại.
Giá hàng hóa tăng đã làm giàu cho rất nhiều người, trong đó có tầng lớp lớn những nhà đầu cơ và những người lợi dụng các đặc quyền liên quan đến chính trị để gây dựng tài sản khổng lồ. Số tỷ phú trong thời gian này tăng nhanh hơn bao giờ hết. Trong khi đó, giá hàng hóa tăng, đặc biệt là dầu mỏ, đã gây khó khăn cho tầng lớp nghèo và trung lưu, đồng thời kìm hãm sự tăng trưởng của các nước công nghiệp. Trong suốt những năm 2000, những ông trùm dầu mỏ và khoáng sản tăng lên nhanh chóng tỷ lệ thuận với những tai tiếng xấu của họ.
Đó là lý do tại sao giá hàng hóa giảm lại là tin tốt. Sự liên kết hàng hóa và Trung Quốc đã đứt. Sau 3 thập kỷ tăng trưởng quá nhanh, sự giảm tốc của Trung Quốc là tất yếu và khiến bong bóng hàng hóa xì hơi. Kể từ mức đỉnh tháng 4/2011, chỉ số giá hàng hóa đã giảm 16%. Những tháng gần đây, dòng tiền bắt đầu được rút ra khỏi các quỹ đầu tư hàng hóa.
Quan điểm về hàng hóa đã thay đổi và người ta nhận thấy rằng, đối với hầu hết hàng hóa, nhu cầu không tăng trong khi nguồn cung lại tăng. Nhu cầu dầu ở các nước phát triển đã ổn định kể từ năm 1995. Chính việc giá dầu tăng đã khiến nhiều nước như Mỹ và Nhật nỗ lực tìm nguồn năng lượng thay thế và bảo tồn môi trường.
Nhu cầu lẹt đẹt
Giờ đây, đến lượt các nước đang phát triển cũng bắt đầu tìm cách tiết kiệm năng lượng. Trung Quốc đang khuyến khích sử dụng ô tô điện dù vẫn xây nhiều nhà máy than. Các cuộc tranh cãi về viễn cảnh “mức đỉnh của giá dầu” đã chuyển sang bàn về mức đỉnh của nhu cầu.
Thế giới đang giảm dần lo ngại về việc thiếu hàng hóa thiết yếu. Giá cao đã thúc đẩy đầu tư vào các mỏ đồng, nhà máy nhôm và nhiều hàng hóa cơ bản khác. Trong một thập kỷ qua, vốn đầu tư vào năng lượng và nguyên liệu thô, không bao gồm nông nghiệp, đã tăng 600%, trong khi vốn đầu tư vào các ngành khác chỉ tăng 200%.
Đây thực ra là một chu kỳ bình thường của kinh tế thế giới, không phải là “siêu chu kỳ”. Giá hàng hóa tăng đè nén nhu cầu, đồng thời hút tiền và công nghệ vào để tăng nguồn cung, điều này dẫn tới sự dư cung. Trong 200 năm qua, giá bình quân của hàng hóa đều theo chu kỳ này: một thập kỷ tăng, thường là rất nhanh, rồi đến 2 thập kỷ giảm, và dẫn đến kết quả là giá hàng hóa thực tế không hề tăng kể từ năm 1800. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ như dầu mỏ và đồng, đã tăng giá qua các năm. Riêng giá vàng thì vẫn đứng yên. Giá vàng hôm nay (khoảng 1.500 USD/ounce) chỉ tương đương năm 1980, sau khi điều chỉnh lạm phát.
Nếu mô hình lịch sử này trở lại, chúng ta đang bước vào một chu kỳ dài giảm giá hàng hóa, có thể tới hai thập kỷ. Đây là tin tốt cho các nước nhập khẩu. Giá giảm cũng khiến sức mua tăng và ngân sách chính phủ bớt gánh nặng chi tiêu. Ngược lại, các quốc gia "bay cao" thời gian qua nhờ hàng hóa lại "hạ cánh" về với thực tại.
(Bài viết của Ruchir Sharma, giám đốc thị trường mới nổi và vĩ mô toàn cầu của Morgan Stanley).