Sếp doanh nghiệp Nhà nước về đâu sau thoái vốn?

Sau doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngành giao thông vận tải cổ phần hóa, thoái vốn, các lãnh đạo từ vị trí “thét ra lửa” bỗng chốc chuyển sang tình trạng làm thuê, phải nghe lời các ông chủ mới hoặc bị sa thải. Con đường khác là quay về Bộ trở thành công chức.

Khi thời thế đổi thay

Ông Cấn Hồng Lai, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng Cty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là trường hợp điển hình nhất cho câu chuyện cởi áo nhà nước khoác áo tư nhân sau cổ phần hóa.

Cienco 1 từng là doanh nghiệp xây dựng đầu đàn của Bộ GTVT (có thế mạnh đặc biệt về xây cầu), làm nhiều công trình lớn trong và ngoài nước. Trước đây, những đối tác hay công ty “con” muốn được diện kiến sếp tổng và trên tổng không phải dễ. Mỗi tiếng nói của các “sếp lớn” có thời có thể khiến một nhà thầu hay công ty “con” thịnh hay suy. Thế nhưng, giờ đây, tình hình đã đảo ngược.

Sau cổ phần hóa, Chính phủ và Bộ GTVT quyết thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại tổng công ty này (hiện trong Cienco 1, Cty Yên Khánh chiếm 38% cổ phần, Hassyu Việt Nam chiếm 36%, Fecon chiếm 17% và 9% của cổ đông phổ thông). Từ vị trí Tổng GĐ Cienco 1 (lúc còn là DNNN), ông Lai tiếp tục được các cổ đông lớn tín nhiệm mời ở lại đúng vị trí này sau cổ phần hóa. 

Sếp doanh nghiệp Nhà nước về đâu sau thoái vốn? - 1

Ông Cấn Hồng Lai (người đang thuyết trình) là trường hợp được tư nhân tin tưởng giao việc sau cổ phần hóa. Ảnh: Bảo An.

Kế đến, dù đã đến tuổi nghỉ hưu, ông Lai lại được tín nhiệm giữ vai Chủ tịch Hội đồng quản trị. “Cổ đông đã nghe ngóng một quá trình, thấy mình làm được việc họ mới giữ. Tư nhân quyết sách nhanh, không bị ràng buộc nhiều về thủ tục hành chính nhưng họ có yêu cầu cao, rõ ràng. Việc tiếp tục làm việc là may mắn với cá nhân tôi và cả Cienco 1 khi công ty vẫn tăng trưởng tốt” - ông Lai trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Còn lãnh đạo “cấp trên” của ông Lai là ông Phạm Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Cienco 1 (lúc còn là DNNN)  thì trải lòng với phóng viên Tiền Phong hiện ông đang chủ yếu ở nhà đọc sách, thi thoảng chăm cây, nấu cơm cho khuây khỏa; dù tính tuổi vẫn còn 6 năm công tác. “Tôi không có vốn trong tổng công ty, Bộ GTVT cũng có ý định sắp xếp công tác nhưng thấy không hợp nên đề nghị về hưu trước tuổi” – ông Dũng nói. 

Theo ông Dũng, dù không tiếp tục làm cán bộ chủ chốt của Cienco 1, nhưng cá nhân ông không đổ lỗi cho cổ phần hóa. “Quan điểm của tôi từ đầu đến nay là ủng hộ, nhiệt tình trong thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn tại Cienco 1. Việc xin nghỉ là nguyện vọng cá nhân.Với kinh nghiệm, có thể tôi sẽ tham gia vào một công việc nào đó có ý nghĩa trong tương lai”- ông Dũng nói.

Chủ yếu về Bộ

Theo số liệu cập nhật đến tháng 9/2015, Bộ GTVT đã tiến hành thoái vốn tại 34 doanh nghiệp (DN), thu về 2.377 tỷ đồng; đang tập trung triển khai thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 58 DN với tổng giá trị thoái vốn khoảng 5.726 tỷ đồng.

Bước ngoặt của các “sếp lớn” Nhà nước nói chung và của Bộ GTVT nói riêng sau cổ phần hóa muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, con đường phổ biến nhất là họ được “điều” về Bộ chủ quản. Ngay sau IPO, tháng 6/2014, ông Phan Quốc Hiếu, nguyên Tổng GĐ Tổng Cty Xây dựng Thăng Long được bổ nhiệm làm Cục Phó Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT). 

Khi Bộ GTVT tiếp tục thoái vốn và Tasco (một công ty xây dựng tư nhân) nắm quyền chi phối, “tổng” Thăng Long lại chứng kiến một cuộc vật đổi, sao dời: Cổ đông tư nhân bổ nhiệm một tổng GĐ 33 tuổi; ông Vũ Hồng Phương, nguyên Tổng Giám đốc vốn là “người nhà nước”, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị “làm thuê” cho Tasco và các cổ đông. Ông Khương Thế Duy, Phó Tổng GĐ “tổng” Thăng Long cũng vừa được điều về Cục Đường sắt làm Phó Cục trưởng. Ông Nguyễn Duy Hiền, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xây dựng công trình đường thủy lại được bố trí về làm Cục phó Đường sắt.

Tuy nhiên, bên cạnh con đường mang tính sắp đặt, nhiều “sếp tổng” đã có những bước đi bứt phá. Điển hình, chỉ 8 tháng sau khi IPO, ông Lê Ngọc Hoa, nguyên Tổng GĐ Cienco 4 (hiện đã thoái vốn Nhà nước hoàn toàn), được tín nhiệm bầu vào chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. 

“Việc bố trí công tác cho các lãnh đạo DNNN phụ thuộc vào tổ chức Đảng và lãnh đạo của Bộ. Tuy nhiên, trong trường hợp không bố trí được, nếu có kinh nghiệm, mối quan hệ đối tác tốt, nhanh nhạy sẽ không lo thiếu việc. Bản thân tôi đã có nhiều lời mời hấp dẫn” - một lãnh đạo cao cấp của tổng công ty sắp cổ phần hóa của Bộ GTVT cho hay.

Điều chuyển theo năng lực và nguyện vọng

Liên quan đến công tác điều chuyển cán bộ tại các tổng công ty nhà nước, ông Trần Văn Lâm, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho hay: Những nhân sự thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này đều được bố trí các công việc tại doanh nghiệp đó hoặc các cơ quan khác trên cơ sở xem xét năng lực, trình độ chuyên môn, sở trường và nguyện vọng của bản thân. Quy trình này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, của Bộ GTVT và không có khó khăn gì trong quá trình thực hiện.

Theo đó, Bộ GTVT có 11 tổng công ty trực thuộc: Các Cienco 1, 4, 5, 6, 8; Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Tư vấn thiết kế GTVT, Vận tải thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam và Hàng không Việt Nam. Bộ GTVT đã hoàn thành việc thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Cienco 1, Cienco 4; đồng thời đang triển khai thoái toàn bộ vốn nhà nước theo hình thức bán đấu giá theo lô cổ phần tại 6 tổng công ty: Cienco 5, Cienco 6, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy, Xây dựng đường thủy, Thăng Long; dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT quyết định thôi cử người đại diện phần vốn nhà nước tại Cienco 1, Cienco 4 và điều chỉnh số lượng người đại diện phần vốn nhà nước tại 6 tổng công ty nêu trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN