Sao tội phạm tham nhũng bị... tâm thần nhiều thế?

“Kê khai tài sản của cán bộ công chức chưa đem lại kết quả như mong muốn; chưa xử lý nhiều người đứng đầu cơ quan nơi xảy ra tham nhũng, việc tham nhũng chưa xử lý nghiêm minh”...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã nhận xét khái quát như vậy tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ năm 2014 diễn ra ngày 15.9.

Tố cáo tham nhũng ngày càng ít

Theo báo cáo của Chính phủ, tính tới thời điểm này của năm 2014, ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng; lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó khởi tố mới 256 vụ, 593 bị can); thiệt hại do tham nhũng là trên 6.000 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thu hồi nộp ngân sách nhà nước mới hơn 700 tỷ (chưa được 12%).

Chính phủ cũng thừa nhận số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời; trong một số vụ án tham nhũng, việc phối hợp đánh giá chứng cứ, tội danh giữa các cơ quan tố tụng chưa thật chặt chẽ... Đặc biệt, nhân dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, việc đánh giá tình hình tham nhũng vẫn chung chung, đi địa phương cán bộ bảo phức tạp nhưng vì sao thì không nói được. “Công tác tố cáo tham nhũng ngày càng ít đi, dân coi việc xử lý tham nhũng là việc của nhà nước. Tổ chức hoạt động của các cơ quan PCTN được tăng cường cả về cơ sở vật chất lẫn con người nhưng vẫn chưa đảm bảo. Ai cũng nói tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, nhiều thủ đoạn tinh vi, nhưng trình tự kiểm toán của thanh tra, của điều tra vẫn theo trình tự thông thường”- ông Quyền cho biết.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng cho biết, đơn tố cáo tham nhũng chính danh ít, đa phần là nặc danh. Có phải dân chưa tin, tố cáo chưa nhiều”. “Luật có hẳn một chương về bảo vệ người tố cáo nhưng tâm lý của người dân rất lo ngại về chuyện này, đơn nặc danh nhiều, người ta nói ngại vì không tin. Đây là một thực tế chúng ta nhìn vào để bảo vệ người tố cáo tốt hơn” - ông Lượng nói.

Sao tội phạm tham nhũng bị... tâm thần nhiều thế? - 1

Số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít.

90% tài sản tham nhũng đi đâu?

Ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc phân tích nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, xử lý đối với các hành vi tham nhũng trong báo cáo rất thiếu cụ thể, dẫn tới kiến nghị vẫn chung chung như mọi năm.

“Năm nào cũng chỉ thu hồi được 10%, phải chăng 90% kia kiến nghị không đúng, kiến nghị để đấy. 90% không bị thu hồi thì có phải những vi phạm vẫn được tồn tại, tài sản của nhà nước và nhân dân không được thu hồi? Phải bàn giải pháp nào đó để thu hồi tài sản, đặc biệt thông qua kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, tại sao lại thế phải chỉ rõ" - ông Đương nhấn mạnh.

Ông Đương cũng nêu ra một vấn đề bức xúc lâu nay là rất nhiều vụ tham nhũng cứ xảy ra xong đương sự lại bị... tâm thần. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bổ sung thêm: Dư luận đặt ra có phải ông đó tâm thần thật không? Vấn đề là tại sao tội phạm tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo khi giám định là tâm thần, nhưng người đó giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường. Đây là vấn đề người ta rất quan tâm, thế nên ngành y tế nghĩ gì về công tác giám định?

Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng trong công tác giám định tư pháp hiện nay thì vướng nhất là các giám định viên không chuyên trách, không được tổ chức chuyên nghiệp.

Ông Trần Đăng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) lý giải: Phát hiện tham nhũng chậm do cơ chế, kiểm soát, bởi lúc đó họ là đảng viên, lãnh đạo, nên cơ quan điều tra không thể đi tổ chức xác minh. “Còn giải pháp để tăng thêm tài sản thu hồi là do vướng nên chưa làm được, phải phòng ngừa để nó không xảy ra, phải phát hiện sớm” - ông Yến nêu.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện thì cần tăng cường hơn nữa để khắc phục tính hình thức trong triển khai, thực hiện một số biện pháp PCTN trong tình hình hiện nay. “Tình hình tham nhũng mỗi ngày thêm bức xúc mà phát hiện, xử lý lại như hiện nay thì khi đưa báo cáo ra Quốc hội sẽ có nhiều đại biểu có ý kiến xoay quanh việc này” - ông Hiện nói.

Theo báo cáo  của Chính phủ có 16 đơn vị xử lý 35 người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, là Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Định, Lâm Đồng, Bến Tre, TP. HCM, Bảo hiểm xã hội, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam... xử lý cả hình sự và hành chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN