Sàn BĐS: Bán trà đá "cầm hơi"

Lao đao cùng doanh nghiệp BĐS nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc mở cửa nhưng đi kèm nhiều dịch vụ từ trà đá, photocopy…đến thời trang đại hạ giá để “cầm hơi”.

Gồng mình bán trà đá “cầm hơi”

Lên đời từ cơn sốt đất những năm từ 2008 – 2010, sàn giao dịch BĐS mọc lên như nấm sau mưa và tha hồ “hốt bạc” từ những dự án đua nhau mở bán, huy động vốn. Tỷ lệ thuận với giá nhà đất, nhìn vào tốc độ “sinh nở” và độ “phát” của các sàn giao dịch có thể thấy được bức tranh thị trường một cách rõ nét.

Khu vực phía Tây, đường cao tốc Hà Nội, Lê Văn Lương…trước kia nườm nượp khách hàng tới giao dịch thì đến nay, khi thị trường đóng băng, các dự án nằm dài “đắp chiếu”, ế ẩm thì hàng loạt sàn giao dịch cũng khốn đốn.

Dọc đường Lê Văn Lương, ngổn ngang cùng những dự án kéo dài, những tấm biển sàn giao dịch BĐS được dựng lên san sát nhưng lác đác cửa đóng cửa mở.

Chủ một sàn giao dịch tại đây cho biết: “Trước đây sàn có đến cả chục nhân viên được trải rộng ở tầng 1 lên đến cả tầng 2, làm không hết việc nhưng từ cuối năm 2011 chúng tôi phải giảm dần số nhân viên và đến nay chỉ còn 2 vợ chồng trông giữ và giao dịch. Gọi là mở cửa giao dịch chứ thực ra mấy tháng nay chỉ mở cửa để đấy”.

Có những sàn giao dịch rơi vào cảnh “án binh bất động”, nhiều sàn treo biển cho thuê văn phòng từ nhiều tháng.

Anh Minh chủ sàn giao dịch MĐ chia sẻ: “Khi thị trường BĐS gặp khó, chúng tôi chuyển sang làm quán café, sửa chữa, đầu tư tốn kém nhưng cũng chỉ hoạt động được khoảng 1 tháng thì đóng cửa vì không có khách. Bỏ quán café treo lại biển sàn giao dịch thôi thì cứ để đó chờ thị trường nóng lên. Vẫn còn nhiều dự án ở đây trước sau vẫn phải hoàn thành chứ không thể bỏ được”.

Tại một sàn giao dịch trên phố Đội Cấn, lọt thỏm trong những cửa hàng thời trang, qua thời kỳ sốt nóng của thị trường, chỉ còn lại tấm biển lớn treo cao trước cửa còn ngay cửa ra vào là tấm biển nhỏ với dòng chữ “Quần áo đại hạ giá”.

2/3 sàn giao dịch đóng cửa

Ngày 31/5 vừa qua, sau khi trực tiếp thu thập, tổng hợp, thống kê từ hai nguồn chính thống là các sàn giao dịch BĐS và cơ quan thuế thuộc 29 quận huyện của Hà Nội ông Trần Hợp Dũng - Trưởng phòng Quản lý Kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết với hơn 500 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ở Hà Nội, từ năm 2011 trở lại đây thì có tới 122 sàn ngừng hoạt động, trên 200 sàn không có giao dịch thành công. Sàn có giao dịch thì số lượng cũng rất khiêm tốn chỉ một vài sản phẩm.

Sàn BĐS: Bán trà đá "cầm hơi" - 1

Việc giao dịch mua bán BĐS qua sàn tại Hà Nội chưa nhiều và vẫn còn tiềm ẩn nhiều khoảng tối

Số liệu tổng hợp kết quả khảo sát về giao dịch mua bán BĐS quý I/2012 qua tổng hợp các sàn cho thấy, nhà ở chung cư chỉ có 37 giao dịch thành công; trong khi giao dịch không qua sàn là 842 trường hợp.

Hiện nay, việc giao dịch mua bán BĐS qua sàn tại Hà Nội chưa nhiều và vẫn còn tiềm ẩn nhiều khoảng tối trong đó có chiêu móc túi khách hàng từ những khoản tiền chênh. Cũng từ sàn giao dịch, nhiều khách hàng phải nhận trái đắng từ những bản hợp đồng ký qua sàn để mua những căn hộ ma.

Thị trường BĐS “đóng băng” được cho là thời kỳ thanh lọc những doanh nghiệp BĐS và đây cũng là thời kỳ để thanh lọc sàn giao dịch vốn chỉ được coi là kẻ “ăn theo”, “đục nước béo cò” của thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Khanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN