Nợ xấu tăng, nhà băng đắn đo việc chuyển chủ cho VAMC

Dù phần lớn các nhà băng đang nghi ngại nợ xấu “bùng lên”, song lại kém mặn mà và do dự khi bán các khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).

Ông Keith Pogson – Giám đốc Điều hành dịch vụ Tài chính ngân hàng Ernst&Young châu Á – Thái Bình Dương - Công ty Kiểm toán Ernst&Young băn khoăn trước việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam vừa được Công ty Kiểm toán Ernst&Young công bố, khoảng 3/4 ngân hàng tại Việt Nam (chiếm tỷ lệ 76%) lo ngại “ngọn lửa” nợ xấu sẽ “bùng lên”, ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. 24% ngân hàng còn lại cho rằng, nợ xấu là “vấn đề quan trọng mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt”. Vì thế, các ngân hàng đều đánh giá, quản trị rủi ro tín dụng là thách thức lớn nhất của các nhà băng khi phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu “bùng phát” trở lại.

Nợ xấu tăng, nhà băng đắn đo việc chuyển chủ cho VAMC - 1

Nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, nhưng các ngân hàng lại không mấy mặn mà bán nợ cho VAMC

Theo Ernst&Young, có 12/17 ngân hàng đang lên kế hoạch tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong vòng 3 năm tới và việc tăng cường quản trị rủi ro tín dụng được đánh giá là có tính quyết định đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy lo lắng về rủi ro tín dụng, song điều khiến ông Keith Pogson – Giám đốc Điều hành dịch vụ Tài chính ngân hàng Ernst&Young châu Á – Thái Bình Dương ngạc nhiên, các ngân hàng Việt Nam không đánh giá cao việc chuẩn bị cho Basel III và cũng kém mặn mà trước việc bán nợ cho VAMC.

“Điều này đặt ra băn khoăn về hiệu quả của việc  mua bán nợ của VAMC tác động đến hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại. Không biết việc bán tài sản thực tế diễn ra như thế nào?” – ông Keith Pogson băn khoăn.

Vị Giám đốc Điều hành dịch vụ Tài chính ngân hàng Ernst&Young hiến kế, muốn xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam “cần có hai việc phải làm”. Thứ nhất, là đẩy những tài sản nợ xấu đó ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng sang VAMC để ngân hàng vận hành tốt. Việc này thời gian qua các ngân hàng đã làm được rồi.

Thứ hai, xử lý những khoản nợ xấu đó bằng cách tái cấu trúc, tăng cường minh bạch. Ở khía cạnh này thì thời gian qua các nhà băng vẫn chưa làm được.

“Nếu chỉ để nợ xấu ở đó thì không thể giải quyết được, phải có các biện pháp như tăng vốn, đưa thêm mô hình mới, tạo khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho việc giải quyết, như cho phép mua bán nợ dễ dàng hơn, đàm phán lại các khoản vay, hoán đổi nợ thành vốn cổ phần ...”- ông nói.

Để giải quyết tận gốc nợ xấu đang có nguy cơ tăng cao và xấu đi trong hệ thống ngân hàng, ông Keith Pogson cho rằng, việc bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài là giải pháp có thể tính tới. Song, biện pháp này đang gặp khá nhiều trở ngại về mặt pháp lý dù các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm tới việc mua bán nợ xấu ở Việt Nam. “Nếu không giải quyết được vướng mắc về pháp lý thì họ không thể tham gia”- đại diện Ernst&Young nhấn mạnh.

Theo Công ty CP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC), tỷ lệ nợ xấu tính tới cuối tháng 6/2014 của toàn hệ thống là 4,84%, tăng mạnh so với cuối năm 2013 và có thể “bùng phát” trong quý 3/2014.

Dù không tiết lộ con số cụ thể về tỷ lệ nợ xấu tính tới hết tháng 7/2014, song trong báo cáo đánh giá hoạt động ngân hàng 7 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, “nợ xấu đang tăng cao trở lại”. 

Cơ quan này khẳng định sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng. Một trong số đó, ngày 12/8 NHNN đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-NHNN quy định về khoản thu, tạm ứng VAMC đối với các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt. 

Thông tư này quy định rõ tỷ lệ các khoản thu, tạm ứng của VAMC đối với các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt. Theo đó, VAMC được hưởng số tiền tương ứng với một tỷ lệ trên số tiền thu hồi nợ của VAMC như đã nêu ở trên. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng một hàng năm, tổ chức tín dụng bán nợ phải chuyển cho VAMC các khoản tạm ứng của năm trước liền kề tương ứng với một tỷ lệ trên số dư nợ gốc thực tế bình quân năm của các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của năm trước liền kề.

Những thay đổi về thể chế theo hướng trao thêm nhiều quyền hạn hơn cho VAMC trong việc chủ động xử lý nợ xấu là bước đi cần thiết trong bối cảnh nợ xấu lại đang "nhăm nhe" đe dọa cả hệ thống ngân hàng hiện thời. Song, dù "gậy" đã được trao vào tay VAMC, nhưng việc xử lý nợ ra sao, có dứt điểm được hay vẫn "dập dình" như thời gian qua, vẫn cần thêm thời gian chờ đợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN