“Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai”

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, nợ xấu chủ yếu là bất động sản nên "chỉ có thơm lên thôi chứ không thối được. Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai".

Chủ yếu nợ xấu là bất động sản

Ông Nguyễn Đức Hưởng phân tích cách thức xử lý nợ xấu mà NHNN đang áp dụng hiện nay là “lập ra VAMC để gom nợ xấu vào một cái kho để nhốt nợ xấu vào đó”. Làm rõ thêm, ông Hưởng cho rằng nếu để nợ xấu ở các NHTM thì phải tiến hành ngay đấu giá, hoá giá để thu hồi vốn kinh doanh. “Có điều tài sản nợ xấu trước 10 đồng bây giờ chỉ có thể thu 3-4 đồng và cũng khó bán trong tình hình hiện nay. Còn nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu nợ xấu là bất động sản nên chỉ có thơm lên thôi chứ không thối được. Phần lớn nợ xấu là bất động sản nên VAMC mới mua. Tất nhiên, nếu thị trưởng bất động sản chưa hồi phục thì cũng phải xử lý dần và nếu vẫn còn nguồn thì phải giữ “ủ” chờ thời cơ. Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai” - ông Hưởng chia sẻ.

Ông Phạm Quang Dũng cho rằng hiện VAMC mới dừng ở mức mua nợ và giữ tài sản là chính vì đầu ra còn chờ cơ chế. “Nếu có cơ chế tôi nghĩ VAMC xử lý tốt hơn nhiều các NHTM khác vì có nghiệp vụ” - ông Dũng kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định “Việc bán cho VAMC là một biện pháp thôi chứ không phải biện pháp chính. VAMC và VCB có một thỏa thuận, VCB bán nhưng VAMC ủy quyền lại cho VCB trong việc thu hồi nợ, có nghĩa trách nhiệm tận thu xử lý nợ vẫn ở phía VCB. Chỉ có làm như vậy thì NH mới có trách nhiệm với các khoản nợ, đẩy nhanh được việc thu nợ. Muốn làm nhanh thì ngân hàng nên tự lực cánh sinh”.

Năm 2015, phấn đấu xử lý xong nợ xấu hiện có

Thông cáo của Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản xử lý được số nợ xấu hiện có, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%. Kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tạo nền tảng phát triển an toàn, bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN