Nhà nhà tiếp tục găm tiền sau 5 năm khủng hoảng
Họ nói tiếng khác nhau, sống ở những nước giàu lẫn nghèo, đối diện với thị trường lao động và dịch vụ y tế đáng sợ. Nhưng đụng đến chuyện tiền nong, họ hành động y như nhau: giữ chặt đồng tiền của mình.
Năm năm sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, khơi mào cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, làm tan vỡ niềm tin khắp thế giới, các gia đình ở những nước như Mỹ, Nhật, Anh và Đức vẫn nơm nớp lo lắng đối với tiền tài của họ.
Dollar General, một chuỗi với khoảng 10.000 cửa hàng giảm giá ở Mỹ đã có số lời tăng ngoạn mục: gấp đôi trong vòng ba năm qua. Ảnh: TLCK
Một phân tích về gia cảnh của hãng AP ở mười nền kinh tế lớn nhất cho thấy các gia đình tiếp tục tiêu tiền dè sẻn và đã rút hàng trăm tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán, ngưng vay tiền lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ và đổ tiền vào tiết kiệm và trái phiếu chỉ có những khoản lãi ít ỏi, thường thấp hơn so với lạm phát.
“Phá hoại niềm tin thì dễ nhưng xây lại rất trần ai,” Ian Bright, kinh tế gia cao cấp của ING, một ngân hàng quốc tế ở Amsterdam, nói. “Thái độ đối với rủi ro luôn luôn lặp lại.”
Tăng trưởng cả thế giới yếu có nghĩa là đồng lương ở Mỹ, vốn không theo kịp lạm phát, sẽ tiếp tục tăng chậm. Theo báo cáo về thất nghiệp ở nhiều khu vực châu Âu, tại nhiều nước cao hơn 35% trong giới trẻ, tỷ lệ này sẽ không giảm nhanh. Làn sóng thất nghiệp khác ở người Hoa, Brazil và Ấn trong giới trung lưu đang tăng; con số lên đến hàng trăm triệu.
Dữ liệu của AP phân tích thái độ của người tiêu dùng trong năm năm trước Đại suy thoái bắt đầu từ tháng 12.2007 đến cuối năm 2012. Phân tích tập trung vào 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Brazil, Nga, Ý và Ấn – chiếm một nửa dân số thế giới và 65% GDP toàn cầu.
Ở Pháp, Arnaud Reze đã ngưng uống cà phê ở tiệm để tiết kiệm tiền. Nhà Kawabata ở Nhật hiếm khi ăn tiệm. Glen Oakes ở bang Washington lúc trước mỗi năm thường có một chuyến du lịch đắt tiền, như đi Disney World ở Florida. Ông đã ngưng chuyện này cách đây năm năm.
Khắp thế giới, dù ít hay nhiều, tại các nền kinh tế đang bành trướng và thu hẹp, người tiêu dùng trở nên tằn tiện. Có thể nhìn thấy điều đó ở những con đường lớn ở Anh: giờ đây dày đặc các tiệm bán hàng xài rồi và hiệu cầm đồ. Xe hơi ở châu Âu xuống giá đến mức thấp nhất trong vòng hai thập kỷ. Dollar General, một chuỗi với khoảng 10.000 cửa hàng giảm giá ở Mỹ đã có số lời tăng ngoạn mục: gấp đôi trong vòng ba năm qua.
Sau khi điều chỉnh lạm phát, người Mỹ tăng chi tiêu của họ trong năm năm sau khủng hoảng lên bằng ¼ so với trước khủng hoảng, theo PricewaterhouseCoopers. Chi tiêu của người Pháp chỉ hơi nhúc nhích. Ở Anh, chi tiêu đã không tăng chậm mà còn giảm. Người Anh tiêu dùng kém 3% so với năm ngoái.
Thất nghiệp cao có một vai trò nhất định. Thất nghiệp ở châu Âu là 11%. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng do hoảng sợ bởi khủng hoảng tài chính, và khủng hoảng nợ công bắt đầu muộn hơn một năm làm cho người dân có khả năng vung tay chi tiêu đã gượm lại.
Reze, 36, là người cuối cùng mà bạn có thể nghĩ là đang cảm thấy sức ép tiết kiệm hơn nữa. Ông có một căn nhà ở Nantes, dồn tiền vào các tài khoản tiết kiệm và cổ phiếu, có một việc làm Nhà nước bảo đảm cho ông 75% mức lương khi về hưu. Nhưng ông sợ rằng lương hưu không bảo đảm. Nên ông không những ngưng uống cà phê quán, ông còn cắt bỏ toàn bộ các buổi ăn trưa ở ngoài với các đồng nghiệp và để dành tiền bằng nhiều cách khác nữa. Ông ước tính mỗi tháng ki cóp được khoảng 400USD, hoặc 10% chi tiêu. “Ba cái chuyện mua sắm thứ này thứ nọ lặt vặt… tôi ngưng hẵn,” ông nói.
Ngay cả người giàu cũng đang chi tiêu cẩn thận và để dành nhiều hơn.
Cách đây năm năm, Mike Cockrell, giám đốc tài chính ở Sanderson Farms, một cơ sở chăn nuôi gà lớn ở Mỹ, vừa trả xong tiền mua nhà trả góp ở Laurel, Mississippi. Ông tính dùng khoản tiền phải trả góp hàng tháng trước đó để chi tiêu. Khủng hoảng tài chính ập đến, ông bèn gửi tiền vào tiết kiệm.
1% những hộ giàu nhất nước Mỹ đã tiết kiệm chi tiêu 30%, gấp ba lần hồi năm 2008, theo một báo cáo hồi tháng 7 của hãng nghiên cứu American Express Publishing and Harrison Group.