Nhà đầu tư vừa bắt đáy vừa lo mắc bẫy
VN-Index giảm quá mạnh khiến không ít nhà đầu tư bắt đầu săn hàng giá rẻ. Tuy nhiên, vừa bắt đáy, nhà đầu tư vừa lo mắc bẫy.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Hai phiên giảm sâu liên tiếp đã khiến VN-Index rơi xuống sát ngưỡng 550 điểm. Đầu phiên sáng nay, ngưỡng quan trọng này chính thức bị xuyên thủng khi áp lực bán ra vẫn rất mạnh mẽ. Hai cổ phiếu được chú ý nhất thị trường là GAS và PVD nhiều thời điểm mua bán ở mức giá sàn.
Tuy nhiên, chỉ 1 tiếng sau giờ mở cửa, lực cầu bắt đáy bất ngờ xuất hiện. Dòng tiền chảy vào cổ phiếu bất động sản, xây dựng giúp VN-Index hạn chế đà giảm. Thậm chí, trên bảng giao dịch điện tử, sắc xanh xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Dừng phiên sáng, VN-Index chỉ giảm 0,76 điểm.
Tới phiên chiều, tín hiệu lạc quan xuất hiện ngày càng nhiều. Kết phiên ngày 10/12, VN-Index đảo chiều tăng 1,88 điểm, tương ứng 0,34% và đóng cửa ở mức 557,19 điểm. Sau khi VN-Index lấy lại sắc xanh, nhà đầu tư giao dịch thận trọng hơn. Không ít người lo lắng đây là phiên bull-trap. Vì vậy, thanh khoản không bứt phá.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 119.404.619 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.297,89 tỷ đồng, giảm rất nhẹ so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 5.788.969 cổ phiếu, tương ứng 155,8 tỷ đồng, giảm mạnh về khối lượng nhưng tăng nhẹ về giá trị. Toàn sàn ghi nhận 193 mã tăng giá, 45 mã đứng giá và 50 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ đi lên mạnh hơn VN-Index rất nhiều. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/12, VN30-Index tăng 6,96 điểm, tương ứng 1,15% dừng ở mức 610,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch của nhóm VN30 đạt 50.248.789 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.059,68 tỷ đồng, giảm đáng kể về khối lượng nhưng tăng nhẹ về giá trị. Dòng tiền đang chọn blue-chip. Nhóm VN30-Index có 23 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 3 mã giảm giá.
Blue-chip đóng vai trò rất lớn thúc đẩy VN-Index đi lên. Trong đó, cổ phiếu dầu khí bứt phá mạnh. Nếu đầu phiên PVD giảm sàn thì cuối phiên, PVD bất ngờ tăng mạnh. PVD tăng 2.500 đồng/CP lên 67.500 đồng/CP. GAS dù không lấy được sắc xanh nhưng cũng thoát giảm sàn.
PPC là blue-chip duy nhất tăng trần. PPC tăng 1.800 đồng/CP lên 28.600 đồng/CP. Đầu phiên, PPC thậm chí giảm nhẹ. Trong khi đó, VCB chấm dứt chuỗi tăng điểm liên tiếp. VCB giảm 1.600 đồng/CP xuống 30.000 đồng/CP. 2 blue-chip khác đi xuống nữa là MSN và GMD. MSN giảm 500 đồng/CP xuống 84.000 đồng/CP. GMD giảm 800 đồng/CP xuống 31.700 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản, xây dựng và thủy sản khá “nóng”. Rất nhiều mã “rủ nhau” tăng trần. AGM tăng 700 đồng/CP lên 11.700 đồng/CP. AVF tăng 200 đồng/CP lên 3.200 đồng/CP. CCL tăng 300 đồng/CP lên 5.600 đồng/CP. HLA tăng 100 đồng/CP lên 2.300 đồng/CP. NBB tăng 1.400 đồng/CP lên 22.000 đồng/CP.
Sàn Hà Nội
Nếu hôm qua sàn Hà Nội “rơi” mạnh hơn sàn thành phố Hồ Chí Minh thì hôm nay, điều ngược lại đã xảy ra. Các chỉ số chính trên sàn Hà Nội tăng rất mạnh.. Chốt phiên giao dịch 10/12, HNX-Index tăng 1,37 điểm, tương ứng 1,63% và đóng cửa ở mức 85,22 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội bất ngờ sụt giảm mạnh.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 53.962.264 cổ phiếu, tương ứng 792,18 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với hôm qua và không giữ được mốc 1.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 3.189.415 cổ phiếu, tương ứng 98,61 tỷ đồng, giảm mạnh và đứng ở mức rất thấp. Toàn sàn ghi nhận 148 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 51 mã giảm giá.
HNX30-Index tăng mạnh hơn HNX-Index rất nhiều. Chốt phiên ngày 10/12, HNX30-Index tăng 4,07 điểm, tương ứng 2,46% và đóng cửa ở mức 169,29 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 32.517.900 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 518,03 tỷ đồng, giảm mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong nhóm ghi nhận 27 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 1 mã giảm giá.
HUT là blue-chip duy nhất tăng trần trên sàn Hà Nội. HUT tăng 1.300 đồng/CP lên 14.600 đồng/CP. Các cổ phiếu bất động sản khác cũng phục hồi rất nhanh. SCR tăng 400 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP. SD6 tăng 400 đồng/CP lên 14.800 đồng/CP. SD9 tăng 500 đồng/CP lên 14.800 đồng/CP. VCG tăng 200 đồng/CP lên 13.600 đồng/CP.