Nhà đất cuối năm: Chả mấy ai "cắt lỗ"
Cuối năm, câu chuyện giá nhà sẽ tăng hay giảm, liệu có làn sóng “cắt lỗ” hay không đang được nhiều người quan tâm. Song, chỉ vấn đề “cắt lỗ” cũng lại có nhiều ý kiến nhận định khác nhau.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, chủ đầu tư và cả đơn vị môi giới để có cái nhìn đa chiều về câu chuyện giá nhà cuối năm nay.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc |
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc: Rất ít có chuyện "cắt lỗ”.
Gần 4 năm qua phân khúc cao cấp gần như không có giao dịch trên thị trường, nhưng trong năm 2014 nhiều dự án đã có thanh khoản, lý do của việc này không phải do nguồn cầu nhà ở không có mà do giá trước đây quá cao, hiện đã giảm giá mạnh và có mức giá hợp lý hơn.
Hiện tại làn sóng cắt lỗ trong năm hầu như không còn dự án nào cắt lỗ, cuối năm sẽ có thêm một số dự án mới được đưa ra thị trường, theo tôi sẽ có mức giá vừa phải, phù hợp với thị trường. Các dự án còn lại rất ít có chuyện cắt lỗ, nhất là thời điểm cuối năm nay.
Đối với những dự án đang hoàn thiện thì có cơ sở tăng giá, nhưng với những chủ đầu tư mới gia nhập thị trường cũng sẽ rất thận trọng trong bài toán tăng giá nên có lẽ giá sẽ ổn định.
Hiện tại, cùng với số hàng tồn kho thì nguồn cung trên thị trường khá dồi dào, nhu cầu đang đuổi theo nguồn cung, nhưng nhu cầu thị trường hiện vẫn đang thấp hơn cung nên giá bất động sản vẫn đang ở mức hợp lý.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Chưa thấy ai nói lỗ tôi cũng bán”
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Thời điểm này, theo tôi cơ hội tăng giá đang nhiều hơn giảm giá, nhà ở giá thấp hiện đang có chuyện chênh lệch giữa nơi được quyền mua với giá thị trường. Điều này biểu hiện đang có “sốt” mặc dù “sốt” chưa cao, nếu như trước được vài tỷ thì nay chỉ được vài chục triệu đồng.
Song, tôi tin chắc rằng những đợt “sốt” đất như thời kỳ trước đây 1991 – 1993, 2001 – 2003 không quay trở lại thị trường Việt Nam nữa, bởi đấy là thời gian gắn với chuyển đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang thị trường, nhưng thị trường 100% chưa thì chắc là cũng chưa.
Không có chuyện cắt lỗ trong thời gian qua, trừ những bất động sản tồn đọng thì có chủ dự án giảm giá, nhưng đã giảm xuống dưới giá sản xuất chưa thì khó có câu trả lời vì khi xây dựng dự án còn có “phí bôi trơn” và giá cả sản phẩm phải chứa cả phí này.
Song, nói chung vừa qua các nhà đầu tư đã cố gắng giảm giá đến mức 50%, khi tôi hỏi họ về việc giảm giá đó thì họ cũng nói thật giảm về mức đó coi như không có lãi, chứ chưa thấy ai nói lỗ tôi cũng bán.
Tất cả những người trong trạng thái phải bán vì rơi vào thua lỗ thì họ cũng đã phải tự giải quyết rồi, hoặc đã phá sản, giải thể hoặc đã bán dự án cho nhà đầu tư khác, chứ không có chuyện tháo khoán hàng tồn kho.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành: “Sẽ có phân khúc phải “cắt lỗ””.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành |
Chuyện cắt lỗ khi thị trường khó khăn là chuyện bình thường, nhiều doanh nghiệp đang “hấp hối” nên chuyện cắt lỗ không chỉ xảy ra đối với doanh nghiệp mà ngay cả đối với nhiều người dân đầu tư sai, mua một lúc vài căn hộ hoặc một sàn tại một dự án bán không được nên cũng phải bán rẻ để thu hồi vốn.
Khi thị trường trầm lắng lâu sẽ có nhiều dự án, sản phẩm phải cắt lỗ, nhất là những sản phẩm ở phân khúc cao cấp.
Chuyện cắt lỗ vào thời điểm cuối năm không phải là quy luật của thị trường bất động sản, 3-5 năm trước đây cuối năm lại “sốt” giá, nhưng năm nay thì sẽ có chuyện “cắt lỗ”, giảm giá.
Không doanh nghiệp nào dám nói mình lỗ, toàn phải nói lãi hết, “trong héo, ngoài tươi” để chứng minh “tôi còn sống”. Nhưng thực chất, khi giảm giá bán nhà đến 50% so với mức giá trước đây tức là doanh nghiệp đã lỗ rồi, bởi vừa giảm giá, lại vừa phải trả lãi vốn vay khi dự án không bán được, kéo dài thời gian. Cuối năm nay, một số dự án, một số phân khúc sẽ phải “cắt lỗ” ở mức độ tương đương các năm trước.