Người nước ngoài "tăng tốc" mua nhà Việt Nam

Người nước ngoài và Việt kiều đa phần quan tâm đến những dự án cao cấp, có chất lượng sống tốt với nhiều tiện ích dịch vụ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thông tin sau gần sáu tháng Luật Nhà ở 2014 đi vào thực tế, đến nay riêng tại TP.HCM có gần 1.000 căn hộ được người nước ngoài mua.

“Con số này đã tạo nên sự khác biệt rất lớn nếu so với số lượng chỉ khoảng 200 người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam trong suốt tám năm Luật Nhà ở 2005 được áp dụng” - ông Châu nhận định.

Thích dự án có chất lượng sống cao

Ông Hwang, người Hàn Quốc, đã sinh sống tại Việt Nam hơn 10 năm nay, từ lúc ông sang Việt Nam học đại học, giờ đang làm chủ một doanh nghiệp lớn ở TP.HCM. Ông có ý định sống lâu dài tại Việt Nam nên rất vui khi luật cho phép người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng vướng vấn đề thủ tục hành chính.

“Tuy vậy, mới đây có dự án của một tập đoàn lớn được ngân hàng bảo lãnh, thủ tục pháp lý rõ ràng, lại được công ty hỗ trợ kỹ nên tôi quyết định đứng tên mua hai căn hộ, một căn để ở và một căn cho thuê” - ông Hwang kể.

Tương tự, anh Alex Nguyen, Việt kiều Mỹ, cho hay ban đầu nghe thông tin Luật Nhà ở mới cho phép Việt kiều mua nhà tại Việt Nam nhưng anh chỉ tìm hiểu chứ chưa có ý định mua, lý do là không có ai ở Việt Nam để trông coi tài sản và giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp lý, thủ tục giấy tờ cho đến khi nhận căn hộ.

Người nước ngoài "tăng tốc" mua nhà Việt Nam - 1

Người nước ngoài đang tìm hiểu mua căn hộ tại một dự án. Ảnh: QUANG HUY

“Sau đó tôi được người bạn giới thiệu dự án của một chủ đầu tư uy tín và họ cam kết hỗ trợ khách hàng quản lý hiệu quả tài sản cũng như công việc đầu tư, vì vậy tôi quyết định mua hai căn hộ” - anh Alex Nguyen chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay tính đến hết tháng 11-2015 đã có 360 căn hộ tại một dự án tọa lạc ở khu Tân cảng Sài Gòn được người nước ngoài mua, chiếm khoảng 7% tổng số căn đã bán được của dự án này. Những người mua nhà ở đây đa số mang quốc tịch Hàn Quốc và Việt kiều Mỹ.

Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, cũng cho hay thời gian qua khách hàng người nước ngoài chiếm khoảng 10% lượng khách quan tâm và giao dịch thành công, tập trung chủ yếu tại các dự án ở quận 4, quận 2.

Ông Quân cho biết thêm người nước ngoài đa phần quan tâm đến những dự án cao cấp, có chất lượng sống tốt với nhiều tiện ích dịch vụ, vị trí ở những quận gần trung tâm thành phố. Ngoài ra, họ rất quan tâm đến tính pháp lý và đặc biệt là uy tín của chủ đầu tư. 

Vẫn lo lắng về quyền sở hữu

Theo thông tin từ các doanh nghiệp, số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tăng so với trước đây do Luật Nhà ở mới đã tạo thông thoáng cho đối tượng này và nhiều kiều bào sống tại Úc, Mỹ, Anh… mong muốn khi già sẽ về sống ở Việt Nam. Song lượng người nước ngoài và kiều bào về nước mua nhà chưa nhiều như dự báo ban đầu và so với tiềm năng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Bùi Cao Nhật Quân nói: “Người nước ngoài vẫn có tâm lý lo lắng về quyền sở hữu khi mua nhà tại Việt Nam. Thực tế cho thấy những khách hàng người nước ngoài đi mua nhà của công ty chủ yếu là dạng khách có yếu tố nước ngoài - vợ hoặc chồng là người nước ngoài - chứ rất ít trường hợp là cả vợ, chồng đều người nước ngoài”.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu dẫn nguồn từ các cơ quan chức năng cho hay hiện có gần 4,5 triệu người Việt đang làm việc và sinh sống ở 109 quốc gia, với khoảng 500.000 người đang có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam. Điều đáng lưu tâm hơn nữa là tổng thu nhập của Việt kiều lên tới khoảng 100 tỉ USD. Đây là những con số có tiềm năng rất lớn.

“Tuy vậy, ngay cả Việt kiều cũng thường nhờ người thân đứng tên để làm thủ tục mua nhà cho tiện. Một trong các nguyên nhân là do thủ tục hành chính còn làm mất thời gian của họ” - ông Châu nói.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Tiến Vũ, chuyên gia lĩnh vực bất động sản, cho rằng đến thời điểm này nhiều công ty Việt vẫn chưa có chiến lược đầu tư dự án phù hợp với nhu cầu người nước ngoài. Cách tư vấn, tiếp thị, hỗ trợ đều làm theo kiểu cũ như với khách hàng trong nước nên không tiếp cận được. Ví dụ người Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... có tập quán muốn sống theo cộng đồng, do có những nét sinh hoạt giống nhau như về sở thích, ăn uống, văn hóa.

Phụ thuộc vào việc thực thi

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Nhà ở 2014 đã mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể cho phép người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở trong nước như công dân trong nước. Tuy nhiên, luật cũng quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn…

 “Quy định đã khá thông thoáng, vấn đề lớn nhất phụ thuộc vào việc thực thi những quy định nói trên như thế nào. Cụ thể, nếu các quy định này được thực thi một cách minh bạch, cán bộ tận tâm, không gây nhũng nhiễu, phiền hà… thì chắc chắn việc mua nhà của Việt kiều và người nước ngoài sẽ không gặp khó khăn, vướng mắc” - ông Truyền nhận định.

Chân Luận

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM 11 tháng qua đạt 4,76 tỉ USD. Trong đó, kiều hối đổ vào thị trường bất động sản chiếm 21,6%, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Với tỉ lệ này thị trường bất động sản đã thu hút được khoảng 1 tỉ USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN