Nghịch lý thị trường BĐS: Ế nhưng không bán
Từ chuyên gia đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) đều cho rằng, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là cần thiết và nên thực hiện từ lâu. Bởi không chỉ đơn thuần là kích cầu hay làm ấm thị trường BĐS mà cải thiện được môi trường đầu tư cho khối ngoại, kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực.
Người mua lẫn người bán chưng hửng
Anh John, một người Mỹ đang làm giảng viên tại một trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội. Anh và gia đình đã sống tại Việt Nam hơn 3 năm nhưng vẫn chưa thể có được một chỗ ở ổn định. Gia đình anh vẫn đang thuê một căn hộ tại khu chung cư Keangnam với giá hơn 1.000 USD/tháng.
“Giá nhà ở Việt Nam thời điểm này đang rất hợp lý. Với số tiền tôi bỏ ra thuê nhà hàng tháng nếu được mua nhà thì sẽ thuận lợi cho tôi rất nhiều”- Anh John nói.
Trường hợp của anh John chỉ là một trong số hàng ngàn người nước ngoài muốn mua nhà hay sẵn sàng đổ tiền vào BĐS tại Việt Nam. Tuy nhiên, một nghịch lý là trong khi nhu cầu của người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đang rất lớn và ngày càng tăng thì chính sách cho người nước ngoài mua nhà vẫn không rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm nới lỏng các điều kiện người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam
Đại diện Cty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) - chủ đầu tư khu đô thị Bắc An Khánh -Splendora, cho biết: “Trong thời gian qua có rất nhiều khách hàng là các chuyên gia nước ngoài, Việt kiều đến tìm hiểu để chọn mua nhà nhưng chúng tôi buộc phải từ chối vì không đủ kiều kiện. Cả khách hàng lẫn chủ đầu tư đều chưng hửng. Ngay cả trong doanh nghiệp của chúng tôi liên doanh có rất nhiều người nước ngoài nhưng họ đều phải thuê nhà để ở nhiều năm nay”.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến hết tháng 6, tổng giá trị tồn kho là 83.000 tỷ đồng.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô TCI- chủ đầu tư nhiều dự án chung cư cao cấp cho rằng, thị trường BĐS đang có những dấu hiệu hồi phục. Đối với phân khúc cao cấp, lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều. Vì thế, nếu nới các điều kiện cho người nước ngoài muốn mua nhà, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam sẽ tạo nên nguồn cầu mới, giúp các doanh nghiệp phát triển phân khúc hàng cao cấp.
Lẽ ra phải mở từ lâu
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc nới các điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam là quá chậm, lẽ ra phải mở từ lâu.
“Các nước thực hiện việc này từ lâu. Đây là điều kiện của một nền kinh tế hội nhập để chúng ta tăng xuất khẩu BĐS tại chỗ và xa hơn là tạo nên niềm tin, môi trường đầu tư gợi mở cho khối ngoại”, ông Võ nói. Theo ông Võ, việc một số người lo ngại chính sách này sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ, gây bong bóng BĐS là không có căn cứ.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nước ta đã gia nhập WTO và nhiều tổ chức kinh tế khác nên việc theo xu hướng chung của thế giới là đương nhiên.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế Việt kiều mua nhà đã gây các bất lợi cho thị trường BĐS, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện khi họ phải nhờ người thân, người quen đứng tên, sở hữu nhà.
Ông Liêm đề nghị không nên giới hạn Việt kiều chỉ được mua nhà ở phân khúc nào, khu vực nào vì đã là thị trường thì nên để tuân theo quy luật thị trường.
“Một căn nhà được bán kéo theo ngành xây dựng bán được vật liệu, ngành nội thất bán được hàng trang trí..., nhà nước theo đó cũng thu được ngoại tệ, thuế”, ông Liêm phân tích.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, các quy định trước đây về đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn chưa phù hợp, còn hạn chế so với một số nước trong khu vực.
Khi xây dựng luật, Bộ Xây dựng đã đưa vào dự thảo luật rất nhiều điểm thông thoáng để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn cho người nước ngoài mua nhà, tạo ra nguồn lực lớn để kích thích phát triển BĐS trong dài hạn, giúp xử lý nợ xấu BĐS hiệu quả.