Nghịch lý chuyện tiêu tiền của ngành xây dựng
Trong khi các dự án xây dựng của doanh nghiệp lẫn nhà nước thiếu vốn để triển khai thì một số dự án trọng điểm của ngành xây dựng lại không đạt kế hoạch giải ngân.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tính đến hết tháng 11/2012, cơ quan này cho biết, trong năm 2012, Bộ Xây dựng được nhà nước giao 1.821,3 tỷ đồng vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển. Số vốn này được phân bổ cho 23 dự án, trong đó có 5 dự án do làm chủ đầu tư với tổng số vốn là 1.650 tỷ đồng.
Tính đến 30/11, khối lượng thực hiện các dự án đạt khoảng 735,172 tỷ đồng bằng 40,37% kế hoạch năm. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà Quốc hội đạt 590,099 tỷ đồng bằng 42,86% kế hoạch năm.
Theo Bộ Xây dựng, ngoại trừ một số dự án có tốc độ giải ngân tốt như dự án của Đại học Kiến trúc Tp.HCM, dự án của Tổng công ty Lilama… Còn lại nhiều dự án có tốc độ giải ngân vốn chậm như dự án của Viện Kinh tế Xây dựng, của Viglacera…
Đặc biệt, một số dự án trọng điểm có suất đầu tư lớn, song công tác giải ngân trong năm 2012 vẫn không đạt mục tiêu kế hoạch năm…
Dự án Nhà Quốc hội được bố trí kế hoạch năm 2012 là 1.376,810 tỷ đồng, đến hết 15/11/2012 mới giải ngân được 693,77 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vốn bố trí kế hoạch năm 2012 là 150 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 18 tỷ đồng. Nếu kể cả vốn được kéo dài thì dự án này có tổng số vốn năm 2012 là 223,460 tỷ đồng (chưa kể tới hơn 100 tỷ đồng chuyển tạm ứng cho huyện Thạch Thất từ năm 2011 để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đên nay mới giải ngân được 8 tỷ đồng).
Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia có số vốn kế hoạch năm 2012 là 30 tỷ đồng đến 15/11 mới giải ngân được 3,421 tỷ đồng; dự án Nhà Quốc hội được bố trí kế hoạch năm 2012 là 1.376,810 tỷ đồng, đến hết 15/11/2012 mới giải ngân được 693,77 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên ngân giải ngân thấp chủ yếu do công tác đầu thầu, xét thầu kéo dài dẫn đến không ký được hợp đồng theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là công tác lập hồ sơ thanh toán của nhà thầu, tư vấn còn chậm; việc giải quyết vướng mắc tại các gói thầu đã đang thực hiện chưa kịp thời…
Vào đầu tháng 10 vừa qua, trước thực tế tiến độ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước quá chậm, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do Bộ quản lý, các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ cần tập trung cho công tác giải ngân, khẩn trương hoàn thành các thủ tục thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước.
Tại thời điểm đó, Bộ Xây dựng đã cảnh báo, các đơn vị để mất vốn do chậm giải ngân hoặc không có báo cáo kịp thời sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ và sẽ không được xem xét, bổ sung vốn trong các năm tiếp theo.
Như vậy, đối chiếu với báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp ngành xây dựng cũng do Bộ Xây dựng công bố cho thấy, nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lâm cảnh khó khăn do thiếu vốn, kết quả kinh doanh, lợi nhuận thu về thấp hơn chi phí vay vốn ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản.