Ngân hàng tìm cách gỡ khó khi thu hồi nợ
Ngân hàng khởi kiện khách hàng hay tìm đủ cách loay hoay để thu hồi tài sản đang trở thành việc thường ngày trong quá trình xử lý nợ xấu, thu hồi nợ quá hạn.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank: Đẩy nhanh những vụ án tồn đọng góp phần thu hồi nợ
Ông Phạm Mạnh Thắng
Trong những năm gần đây, công tác xử lý thu hồi nợ của Vietcombank đã được đẩy mạnh, từ đó việc xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện, yêu cầu THA tại Vietcombank đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, Vietcombank đánh giá đây chỉ là biện pháp cuối cùng, “bất đắc dĩ” để xử lý nợ khi khách hàng chống đối, bất hợp tác. Quá trình thực hiện thi hành bản án còn nhiều bất cập, thời gian THA lâu không chỉ gây tốn kém chi phí, mà còn kéo dài thời gian thu nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Vietcombank.
Vietcombank và Tổng cục THA dân sự đã có nhiều buổi làm việc về công tác THA dân sự tại các địa phương như: Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, An Giang... và thu được những kết quả khả quan. Tiến độ xử lý nợ xấu qua THA của Vietcombank trên một số địa bàn cũng đã được đẩy mạnh. Từ đó, Vietcombank đề nghị Tổng cục THA dân sự tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa NHNN, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để tìm giải pháp về cơ chế để xử lý tài sản.
Vietcombank đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NHNN tại các địa phương phối hợp với cơ quan THA dân sự địa phương tích cực triển khai Quy chế phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp trong công tác THA dân sự nhằm đẩy nhanh các vụ án còn tồn đọng, góp phần thu hồi nợ cho các TCTD, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc VietinBank: Lúng túng về giải chấp tài sản bảo đảm
Bà Bùi Như Ý
Nếu không thực hiện thay đổi tài sản thế chấp, và vẫn đang thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thì các bên có được phép giải chấp một phần TSBĐ là các căn hộ hình thành trong tương lai trước khi thực hiện ký hợp đồng mua bán với khách hàng hay không? Do hiện nay chưa có hướng dẫn của pháp luật về nội dung này, dẫn đến khó khăn lúng túng cho các TCTD trong quá trình triển khai, cũng như việc thực hiện phụ thuộc vào hướng dẫn của từng văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương.
Chẳng hạn như, các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở: Về mục đích thế chấp, quy định “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong dự án tại TCTD đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-NHNN quy định “Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại TCTD để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư có nhu cầu thế chấp QSDĐ trong dự án đầu tư nhà ở để vay vốn phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng dự án khác. Nhu cầu này là hợp lý. Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên sửa đổi các quy định liên quan để cho phép thực hiện.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank: Cần có cơ chế thực thi pháp luật quyền xử lý TSBĐ
Ông Nguyễn Thành Long
Với góc độ là TCTD thực thi các quyền phát sinh theo các quy định pháp luật, ngân hàng có quy định rất cụ thể, chi tiết trong các hợp đồng với khách hàng về quyền chủ nợ, quyền trong quá trình xử lý TSBĐ. Hợp đồng đó đã được ký kết một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi khách hàng gặp vấn đề khó khăn và phải đi đến biện pháp cuối cùng là thu hồi nợ và xử lý TSBĐ thì luôn gặp khó do sự không tự nguyện của khách hàng, mặc dù trước đó họ đã cam kết TCTD được quyền thực hiện tất cả các biện pháp (được tiếp cận tài sản, được thu hồi tài sản, được xử lý tài sản...) mà không cần thêm sự chấp thuận nào khác.
Cần phải có cơ chế thực thi pháp luật để quyền xử lý TSBĐ của các TCTD thực thi hiệu quả, đảm bảo cơ chế về trình tự tố tụng, hành chính làm sao được nhanh nhất. Trên cơ sở thực thi có hiệu quả và hiệu lực đó, tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi nhận thức về bên có tài sản, bên vay nợ, tránh việc chây ì, kéo dài thời gian trả nợ, để nhanh chóng đàm phán tìm giải pháp hiệu quả hơn.
Thời gian qua, việc VAMC xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu được xử lý còn rất thấp. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nguyên nhân là do thiếu quy định của pháp luật, do cách hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền khác nhau… Thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm của hệ thống tổ chức tín dụng thời gian qua cho thấy còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của tổ chức tín dụng nhận bảo đảm, các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, có những khoảng trống dẫn đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan. |