Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để kích cầu
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho rằng giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, quan trọng là tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm vay vốn làm ăn.
Phóng viên: Thưa ông, tín dụng 2 tháng đầu năm có mức âm khá lớn và hết quý I mới nhích qua con số dương 0,1%, thậm chí giữa tháng 3, tín dụng vẫn âm?
- Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh:
Đúng là sức mua vẫn thấp, tình hình kinh tế những tháng đầu năm còn khó khăn. Tính đến cuối tháng 3, tín dụng trên cả nước tăng khoảng 0,1%, riêng TP HCM tăng khoảng 0,12%. Thông thường, sau Tết, tín dụng giảm do doanh nghiệp (DN) bán được hàng nên trả nợ cũ và quý I thường để chuẩn bị vận hành cho năm sau nên tín dụng khó tăng.
Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ trong năm nay là quyết liệt đưa tín dụng tăng ngay từ đầu năm cho đồng vốn thực sự đi vào sản xuất. Trong quý I, huy động trái phiếu của Chính phủ tương đối tốt tạo điều kiện bơm tiền ra đầu tư sản xuất, giúp tín dụng tăng. Để tín dụng tăng được, Ngân hàng (NH) Nhà nước cũng đã yêu cầu giảm thêm lãi suất. Tác động có thể chưa nhiều nhưng quan trọng là tạo niềm tin rằng lãi suất sẽ giảm nên DN có thể yên tâm vay vốn để làm ăn.
Thực tế là nhiều DN cho biết sức mua rất yếu, họ không biết “vay vốn để làm gì” và nguyên nhân tín dụng tăng chậm có phải vì còn “cục máu đông” nợ xấu?
- Đúng vậy! Tín dụng muốn tăng được thì phải kích sức mua tăng, nếu chưa có điều này thì các giải pháp chỉ là tình thế. Thực tế, từ đầu năm, kinh tế còn khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Trong quý I, vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL được mùa nhưng giá lúa giảm, ảnh hưởng đến người dân. Những nhân tố này cũng ảnh hưởng đến tín dụng.
Nợ xấu là một lực cản làm cho chi phí vốn NH tăng lên, NH không dám cho vay bởi sợ gánh thêm nợ xấu và NH Nhà nước áp dụng thông lệ quốc tế nên nợ xấu càng nhiều. Rốt cuộc, một số NH thà để tiền trong kho còn hơn. Nhưng nợ xấu chỉ là một lý do chứ không phải là nhân tố chính vì cung cầu mới là bản chất của việc tín dụng tăng hay giảm.
Để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa, ngoài chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới, có phải NH Nhà nước còn yêu cầu NH thương mại điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ?
- Đây là sự chỉ đạo mang tính động viên để tháo gỡ khó khăn cho DN. Từ đây đến cuối năm, ngành NH sẽ quan tâm hạ lãi suất các khoản vay cũ từ mức 12%-13%/năm còn khoảng 10%/năm để tạo điều kiện cho DN. Hiện chỉ còn một số NH nhỏ chưa giảm nhưng lãi suất cao chủ yếu là ở khoản vay tiêu dùng. Xu hướng chung phải kéo giảm lãi suất xuống nhưng nhanh hay chậm do năng lực của từng NH. Theo tôi, nếu không giảm, DN khó khăn thì NH cũng không thu hồi được nợ và DN chết thì NH cũng chết theo. Hỗ trợ DN nhưng thực sự là NH cũng đang tự cứu mình.
Ông nghĩ sao khi dư luận cho rằng gần đây tín dụng dồn dập bơm vào bất động sản là quá ưu ái thị trường này?
- Thực ra, nếu nói về các gói hỗ trợ chính sách từ nhà nước cho bất động sản chỉ có gói 30.000 tỉ đồng nhằm giúp người thu nhập thấp có nhà. Còn các gói tín dụng khác như 50.000 tỉ đồng, 70.000 tỉ đồng… chỉ là tên gọi cho có, đây là một biện pháp kỹ thuật để quản lý dòng tiền tốt hơn.
Các gói tín dụng chỉ là chiêu PR chứ không hẳn nhà nước quan tâm đến bất động sản. Có thể những người “ôm” bất động sản khá lớn luôn tìm cách nào đó kích thị trường lên. n