Ngân hàng thương mại đang được 'nuông chiều'

Đặt mình vào vị trí Thống đốc NHNN, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho rằng cần phải minh bạch để quản lý, và không nuông chiều ngân hàng thương mại (NHTM) như hiện nay.

Quá nuông chiều

Nhiều ý kiến cho rằng NHNN đã quá nuông chiều và chạy theo đuôi các NHTM. Còn ông thì đánh giá thế nào về vấn đề này?

Nếu lấy luật làm căn cứ, NHNN đã làm đúng chức năng của mình, và NHNN không phải là ông vua muốn làm gì thì làm bởi các NHTM cũng có chức năng và hoạt động theo luật, họ phải chạy theo lợi nhuận.

Nên nhìn theo chức năng thì tôi thấy NHNN không nuông chiều các NHTM. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổ chức thực hiện thì NHNN đang quá nuông chiều các NHTM, điều đó thể hiện trong công tác giám sát các NHTM.

Thời gian qua, NHNN ban hành nhiều chính sách về lãi suất nhưng công tác giám sát bị buông lỏng nên việc thực hiện không được như mong muốn. NHNN ra chính sách dựa vào các dữ liệu, đề xuất từ phía dưới, trong đó có các NHTM.

Nếu nắm không chắc các số liệu, các vấn đề thì NHNN sẽ bị các NHTM chi phối. Có hai khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là NHNN không nắm chắc số liệu, đội ngũ các bộ tham mưu, thừa hành cũng không nắm chắc mọi vấn đề nên phải chạy theo các NHTM.

Khả năng thứ hai, do bản lĩnh của NHNN chưa đủ mạnh trước việc bảo vệ quyền lợi của nhóm lợi ích nào đó, ví dụ, nhóm những NHTM nhà nước, vừa có chức năng kinh doanh, vừa có nhiệm vụ chính trị nên tìm cách bảo vệ quyền lợi của họ.

Tóm lại, những gì thể hiện trong văn bản là không nuông chiều, nhưng trong khâu tổ chức thực hiện thì dường như có nuông chiều, nhất là khâu giám sát.

Ngân hàng thương mại đang được 'nuông chiều' - 1

TS. Lê Thẩm Dương

Nếu là Thống đốc, ông sẽ làm gì để giám sát hoạt động của các NHTM đi đúng những quy định mà pháp luật đặt ra?

Quả là quá khó, vì rắn không được mà nuông chiều thì sẽ bị phê phán. Chưa kể rắn quá sẽ gãy, nên buộc phải lách. Nuông chiều có thể chỉ là chiến thuật nhằm đạt đến mục tiêu nào đó. Nhưng dù gì thì NHNN cũng phải thể hiện tốt vai trò của mình là tạo ra sân chơi để mọi người cùng chơi chứ không phải nhảy vào sân để cùng chơi. Thời gian qua, NHNN chưa làm tốt điều này.

Và ông sẽ làm gì trong việc quản lý các NHTM?

Tôi sẽ minh bạch tất cả về ý đồ, chiến lược phát triển để mọi người cùng nắm rõ và mình không phải chạy theo bất cứ ai.

Làm gì để tái cơ cấu thành công

Theo ông, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công, cần phải có những điều kiện gì?

Để tái cấu trúc thành công, phải có 3 dữ kiện, một là xác lập đội ngũ lãnh đạo thực hiện tái cấu trúc phải đủ tầm, có tính tiên phong và gương mẫu; hai là phải tạo ra được sự đồng thuận trong nội bộ, nếu chưa tìm được sự đồng thuận thì sẽ rất khó thành công; ba là việc tái cấu trúc là không có địa vị cấp bậc, mà phải bắt đầu từ nhu cầu từ bên dưới và tất cả mọi người phải tham gia chứ không phải cấp trên chỉ biết ra mệnh lệnh. Đây là kinh nghiệm tái cấu trúc của các quốc gia.

Có hai phương pháp tái cấu trúc. Một là bằng phương pháp kinh tế, như mua bán, sáp nhập…và ban bố những mệnh lệnh mới. Phương pháp này diễn ra rất nhanh chóng nhưng hiệu quả là khó lường vì sẽ gặp phải những phản ứng mạnh mẽ.

Hai là bằng phương pháp tổ chức, đi từ từ từng bước một, theo lộ trình và thứ tự ưu tiên từ trước đến sau. Phương pháp này mất nhiều thời gian nhưng an toàn.

Việc tái cấu trúc sẽ gặp sự phản ứng, thậm chí dữ dội từ chính nội bộ, theo ông phải làm gì?

Đúng vậy! Một anh nào đó đang ở vị trí “ngon”, thu nhập cao, nhưng đùng một cái bứng anh ta ra khỏi chỗ đó để làm lại thì nhất định anh ta phải phản ứng.

Do vậy, khi bị phản ứng, nếu NHNN non tay thì tái cấu trúc sẽ không thành công được. Công tác chuẩn bị tái cấu trúc thật tốt, 75% thời gian dành cho công tác chuẩn bị, chỉ dành 25% thời gian cho hành động tái cấu trúc.

Nếu chuẩn bị không tốt khi tiến hành sẽ bị vấp và dừng lại khiến tiến độ tái cấu trúc bị chậm.

Việc tái cấu trúc các ngân hàng của chúng ta thời gian qua mới chỉ vẽ được lộ trình, mục tiêu nhưng không cụ thể nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tái cấu trúc.

Theo kế hoạch, trong năm 2012 tiến hành tái cấu trúc 9 ngân hàng yếu kém, trong đó thời gian đầu năm sẽ thực hiện tái cấu trúc 5 ngân hàng nhưng đến nay không thực hiện được như mong muốn.

Xử nghiêm tình trạng “trên bảo dưới không nghe”

Doanh nghiệp (DN) hiện tại đang gặp 2 khó khăn lớn là: Hàng tồn kho và thiếu vốn để hoạt động. Nên trước mắt NHNN phải làm ngay việc hạ lãi suất. Nhìn vào lương cao ngất ngưởng của ngành ngân hàng, trong khi hàng vạn doanh nghiệp phải sa thải nhân công, giảm lương là một nghịch lý. Với mục tiêu lạm phát ở mức 8% thì lãi suất huy động chỉ nên ở mức 7% - 8% và lãi suất cho vay tối đa 11% là hợp lý.

Ngoài ra, phải xử lý triệt để tình trạng “trên bảo dưới không nghe” trong hệ thống ngân hàng. Để làm được việc này, cần thành lập 1 ban thanh tra đặc biệt của NHNN. Thanh tra phải đóng giả người dân, DN để đi vào ngân hàng vay vốn mới hiểu rõ được thực hư thế nào.

Còn vấn đề nợ xấu không thể giải quyết trong thời gian ngắn, nó mất rất nhiều thời gian, nhưng cái có thể làm ngay được là NHNN rà soát, xử lý nghiêm những NHTM trích lập dự phòng rủi ro chưa đúng, nhằm giải quyết và ngăn ngừa khả năng gia tăng các khoản nợ xấu trong hệ thống NH.

Nguyễn Hùng
nguyenhung3009@gmail.com

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại Dương (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN