Ngân hàng kéo khách bằng lãi suất cố định
Chủ trương cố định lãi suất trong thời gian dài sẽ giải quyết được yếu tố tâm lý lo ngại lãi suất biến động của khách hàng khi vay vốn.
Nhiều ngân hàng (NH) thương mại đang tung ra chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất cố định trong thời gian dài, lên đến từ 2 năm rưỡi đến 3 năm đầu.
Triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi
NH TMCP Quốc Tế (VIB) đang triển khai gói tín dụng 2.000 tỉ đồng ưu đãi cho khách hàng vay vốn mua và sửa chữa nhà, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm với mức lãi suất 0,68%/tháng trong suốt 30 tháng đầu (tương đương 8,16%/năm trong 2 năm rưỡi). Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay tính bằng lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 13 tháng + biên độ 4%/năm. Để thu hút khách hàng, VIB cũng không thu phí phạt trước hạn, trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần hoặc toàn bộ khoản vay trong 5 năm đầu sẽ bị thu hồi lãi suất ưu đãi khách hàng đã hưởng trước đó.
NH TMCP Phương Đông (OCB) công bố gói tín dụng “OCB - Vay nhanh và rẻ” với mức lãi suất cố định trong suốt 36 tháng, dành cho khách hàng vay mua, xây và sửa nhà ở, mua xe hơi… Mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay từ 4 năm trở lên là 9,99%/năm, ổn định trong suốt 3 năm đầu. OCB cho rằng đây là bước đột phá về chính sách giúp khách hàng không phải lo ngại việc tăng lãi suất sau thời gian khuyến mãi hoặc sau 1 năm NH sẽ áp dụng lãi suất thả nổi.
Chính sách cố định lãi suất không chỉ dành cho khách hàng cá nhân mà mới đây, NH TMCP Việt Á (VietABank) cũng công bố gói tín dụng ưu đãi hơn 1.000 tỉ đồng dành cho khách hàng tiểu thương, hộ sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp. Theo đó, khách hàng khi vay vốn ngắn hạn tại VietABank sẽ được hưởng lãi suất cố định trong suốt thời gian với mức 7%/năm cho doanh nghiệp và 8,5%/năm cho hộ kinh doanh, tiểu thương.
Tiền huy động nhiều, các ngân hàng phải cạnh tranh nhiều cách để thu hút khách vay vốn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Bớt lo biến động lãi suất
Ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc OCB, phân tích hiện phần lớn NH chỉ ưu đãi lãi suất năm đầu, sau đó đều thả nổi. Nếu mức lãi suất ưu đãi chỉ chênh lệch 0,3%-0,5%/năm so với lãi suất thông thương mà chia đều cho 12 tháng sẽ không đáng là bao. Với những khoản vay mua nhà, mua xe thường là vốn vay trung và dài hạn nên việc áp dụng lãi suất ưu đãi trong năm đầu càng không mang nhiều ý nghĩa.
“Khách hàng thường lo ngại những khoản vay trung và dài hạn bởi lãi suất thường thả nổi sau khi hết thời gian khuyến mãi. Để khách hàng yên tâm và cũng là cách đưa dòng vốn thuận lợi cho khách hàng cá nhân, OCB đã triển khai chính sách lãi suất cố định này” - ông Long nói.
Còn chuyên gia kinh tế, ông Ngô Minh Châu, cho rằng thời gian qua, lãi suất thả nổi đang là rào cản khiến khách hàng lo lắng trong việc tiếp cận NH để vay vốn trung và dài hạn, nhất là các khoản vay mua nhà thường có thời gian từ 15-20 năm. Thời gian qua, nhiều NH thương mại tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi nhưng chỉ trong thời gian ngắn 6 tháng đến 1 năm, thời gian còn lại không biết lãi suất sẽ biến động ra sao? Người mua nhà phải cân nhắc khi lo sợ lãi suất thả nổi trong tương lai. Chủ trương cố định lãi suất trong thời gian dài sẽ giải quyết được yếu tố tâm lý lo ngại lãi suất biến động của khách hàng khi vay vốn.
Bản thân NH thương mại khi áp dụng chính sách cố định lãi suất cũng có lợi bởi sẽ thu hút được nhiều khách hàng để bơm vốn ra thị trường thay vì để ứ đọng vốn do huy động nhiều. “Dù lợi nhuận ít hơn, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thu hẹp nhưng đổi lại, NH sử dụng vốn huy động hiệu quả hơn, đưa dòng tiền quay vòng nhanh hơn” - ông Long phân tích.