Năm 2014: Tỉ giá hối đoái dao động chỉ 1%?
Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, năm 2014, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tiền tệ là ổn định tỉ giá ngoại tệ. Thời điểm hiện tại, cung – cầu thị trường ngoại hối vẫn ổn định.
Sau khi tăng giá trong ngày 8.1, hôm qua (9.1), tỉ giá VND/USD trong hệ thống ngân hàng cũng như trên thị trường tự do đã ổn định trở lại.
Theo thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, trọng tâm chính sách tiền tệ trong 2014 là tập trung vào ổn định lạm phát, ổn định tỉ giá hối đoái và nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, năm 2014, cốt yếu vẫn là xử lý nợ xấu để phá băng tín dụng, bởi hai yếu tố là lạm phát và tỉ giá biến động đều được nhận định không đến mức lo ngại. “Theo dự báo của tôi, mức biến động tỷ giá năm 2014 chỉ khoảng 1%”, ông Nghĩa cho biết.
Cơ sở cho nhận định của ông Nghĩa, là xu thế ổn định của đồng tiền Việt Nam (VND) đã dần được khẳng định. 1% cũng là kì vọng phá giá VND năm 2014 được nhận định bởi NDF (một dạng hợp đồng kì hạn được các nhà xuất nhập khẩu sử dụng để tránh rủi ro tỉ giá) tại Singapore, ngược lại trong một vài năm trước đó.
Xu thế ổn định của đồng tiền Việt Nam (VND) đã dần được khẳng định.
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, thời điểm để tính tỉ giá hối đoái tốt nhất là thời điểm cán cân thanh toán cân bằng.
Hai năm nay, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tương đối cân bằng, xuất siêu, nhập siêu không đáng kể, do vậy tính ổn định của dự báo rất cao. Cán cân thương mại năm 2014 cũng được dự báo khả quan, nhập siêu không còn là áp lực lớn. Nguyên nhân, kinh tế thế giới đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi, nhờ đó, thương mại và đầu tư toàn cầu tăng rất mạnh, xuất khẩu Việt Nam bao giờ cũng tận dụng được cơ hội này. Chẳng hạn, riêng ngành dệt may Việt Nam có thể chiếm tới 4% thương mại toàn cầu (2012), nếu cộng cả giày da, đồ gỗ, đồ nhựa, công nghiệp…, thị phần khá lớn. Ông Lê Xuân Nghĩa lạc quan “tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 có thể bằng hoặc cao hơn năm 2013”. Cũng theo ông Nghĩa, thời điểm hiện tại, cung – cầu ngoại tệ vẫn cân bằng, dự trữ ngoại hối của Ngân ngân hàng Nhà nước tương đối dồi dào, thị trường “không có lý do chính đáng gì để tăng cả”!
Sau khi tăng khá bất ngờ vào ngày 8.1, hôm qua (9.1), giá USD của ngân hàng Vietcombank đã giảm trở lại, mức giảm 15 đồng/USD giá mua vào, giảm 30 đồng/USD giá bán ra, còn 21.075 - 21.115 đồng/USD (giá mua vào - bán ra). Ngân hàng Eximbank cũng giảm giá 5 đồng/USD, còn 21.060 – 21.110 đồng/USD. Tại một số ngân hàng khác, mức giá USD niêm yết cũng không chênh lệch đáng kể, như ACB là 21.045 – 21.105 đồng/USD; tại Techcombank là 21.050 – 21.120 đồng/USD; tại BIDV là 21.070 – 21.110 đồng/USD… Trên thị trường tự do, giá USD duy trì ổn định, sau khi tăng 10 – 20 đồng/USD trong ngày trước đó. Hiện giá USD tại thị trường Hà Nội được giao dịch phổ biến ở mức giá mua vào 21.140 – 21.150 đồng/USD; bán ra 21/170 – 21.180 đồng/USD.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều qua (9.1), giá vàng SJC niêm yết: mua vào 35,01 triệu đồng/lượng, bán ra 35,06 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng so với giá mở cửa buổi sáng.