Mua hàng qua mạng vẫn phập phồng

Cần mạnh tay xử lý các website thương mại điện tử làm ăn gian dối, lừa đảo và có chính sách cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, khi đó mới hy vọng khai thác triệt để tiềm năng lĩnh vực thương mại điện tử.

Cùng với sự ra đời của một loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT), môi trường pháp lý cho sự phát triển TMĐT tại Việt Nam được đánh giá là cơ bản hoàn thiện. Vấn đề còn lại là trách nhiệm thực thi của các cấp, ngành chức năng.

Ngại giá cao, sản phẩm kém chất lượng...

Theo báo cáo thực trạng phát triển TMĐT Việt Nam năm 2013, có hơn 1/2 trong số hơn 31 triệu người truy cập internet ở Việt Nam thực hiện mua sắm online. Tuy nhiên, giá trị mua hàng trực tuyến còn khá thấp, ước tính đạt 120 USD/người, cả nước đạt 2,2 tỉ USD. Sản phẩm được lựa chọn mua sắm gồm thời trang, mỹ phẩm, đồ công nghệ, điện tử, đồ gia dụng, vé máy bay và một số mặt hàng khác. Phần lớn người tiêu dùng sau khi đặt mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng hoặc thanh toán trung gian qua các website TMĐT. Phụ nữ là đối tượng chiếm đa số trong hoạt động mua sắm trực tuyến với 59%; cán bộ quản lý, nhân viên văn phòng chiếm 41%.

Mua hàng qua mạng vẫn phập phồng - 1

Thống kê năm 2013, có hơn 1/2 trong số hơn 31 triệu người truy cập internet ở Việt Nam thực hiện mua sắm online Ảnh: HỒNG THÚY

Theo dự báo, đến năm 2015 sẽ có khoảng 40% - 45% dân số sử dụng internet, doanh số TMĐT của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt trên dưới 4 tỉ USD. Như vậy, tiềm năng TMĐT Việt Nam là rất lớn nhưng do còn nhiều rào cản khiến TMĐT chưa thể “cất cánh”. Hiện chỉ 5% người tham gia cho biết rất hài lòng với phương thức mua hàng online. Còn lại hàng loạt nguyên nhân như sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, giá cả không thấp hơn so với mua trực tiếp, dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, cách thức đặt hàng trực tuyến quá rắc rối... khiến người dân còn e ngại mua sắm trực tuyến. Theo các doanh nghiệp (DN) TMĐT, phương thức mua hàng online chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu cơ quan nhà nước mạnh tay với những mặt trái: tình trạng gian dối, giả mạo, lừa đảo trong TMĐT…

Siết lại để bảo vệ người tiêu dùng

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng Thư ký, Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT tại TP HCM, cho biết về nguyên tắc, hành lang pháp lý cho TMĐT hoạt động đã khá đầy đủ, nhất là sau khi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này ra đời. Ngoài ra còn có Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có TMĐT) với mức phạt lên đến 100 triệu đồng… Những văn bản này góp phần hoàn thiện hơn môi trường pháp lý cho sự phát triển TMĐT Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Theo Nghị định 52, các website được thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại được xem là website TMĐT bán hàng, phải làm thủ tục thông báo tại trang web online.gov.vn của Bộ Công Thương. Các website cung cấp dịch vụ TMĐT như 123mua.vn, eBay.vn, 5giay.vn...; các trang khuyến mãi như nhommua.com, hotdeal.vn… và sắp tới là trang web của các ngân hàng, công ty về dịch vụ logistics… phải đăng ký với Bộ Công Thương. Việc đăng ký này giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin DN, cá nhân có liên quan đến website. Trong trường hợp người tiêu dùng có phản ánh, khiếu nại các website bán hàng không đúng chất lượng, quảng cáo thổi phòng, chế độ bảo hành hay bán hàng lừa đảo… thì thông qua các thông tin đăng ký, cơ quan chức năng có thể lần ra đầu mối để xử lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp vi phạm nặng có thể đưa vào danh sách website bị phản ánh, website vi phạm để người tiêu dùng nhận biết và cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử phạt.

Hiện đã có gần 1.500 website của tổ chức, cá nhân trên cả nước được thông báo, đăng ký. Tại TP HCM có 1.100 website TMĐT được chủ website làm thủ tục thông báo, đăng ký. Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với 140.000 DN đang hoạt động tại TP HCM; 150.000 tên miền do cá nhân, tổ chức tại TP HCM đăng ký và khoảng 86.000 website của cá nhân, tổ chức đã thiết lập. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, hiện TP HCM chưa xử phạt những website chưa thông báo, đăng ký mà còn tập trung tuyên truyền cho DN biết về quy định này. Quản lý thị trường các địa phương được giao quyền xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thương mại, bao gồm cả TMĐT.

Theo một chuyên gia về TMĐT, những trang web không đăng ký, thông báo có thể do chưa biết quy định về việc phải đăng ký, thông báo website TMĐT, cũng có thể do cố tình không đăng ký, thông báo vì website đang bán hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng hoặc hàng hóa không được quảng cáo. Người tiêu dùng khi tham gia mua hàng online cũng phải biết tự bảo vệ mình. Theo đó, chỉ nên mua hàng tại các website đã được gắn nhãn của Bộ Công Thương. Trường hợp mua hàng tại những trang web chưa được gắn nhãn, gặp vấn đề về chất lượng hoặc chủ website đưa hàng lên bán rồi bỏ trốn, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt vì cơ quan chức năng không can thiệp, giải quyết gì được. “Văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại TP HCM sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn miễn phí cho DN, cá nhân khi gặp khó khăn trong việc thông báo, đăng ký trên online.gov.vn” - ông Dũng nói.

Nhiều DN lơ là

Sở Công Thương TP HCM cho biết đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho DN trên địa bàn về việc thông báo, đăng ký website TMĐT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm thực hiện đăng ký, thông báo. Hiện Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường của sở đang rà soát lại danh sách website TMĐT trên địa bàn, nhắc nhở DN đăng ký, thông báo. Trường hợp DN đã được nhắc nhở nhưng cố tình không đăng ký, thông báo trên online.gov.vn sẽ bị xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN