Một số TCTD “lợi dụng” lãi suất tái cấp vốn

Ngân hàng Nhà nước là một trong 20 bộ, ngành, cơ quan trung ương thuộc danh sách kiểm toán năm 2011 về ngân sách năm 2010.

Với thông điệp công khai báo cáo kiểm toán năm, sáng 18/7 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2010.

Đối với hoạt động tín dụng, qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nhận định, “Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường đã tạo điều kiện cho một số tổ chức tín dụng lợi dụng, như một nguồn vốn giá rẻ ưu đãi, không cơ cấu lại các khoản đầu tư để trả nợ đúng hạn, làm gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các ngân hàng thương mại. Cùng đó, nhiều khoản vay tái cấp vốn năm 2010 phải gia hạn và việc gia hạn nợ không đúng quy định”.

Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng, tổng số nợ gia hạn năm 2010 là 68.250 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay. Các khoản vay thời hạn 90 ngày được gia hạn đến lần thứ 4 làm thời gian vay kéo dài 389 ngày, trong khi quy định thời gian cho vay không quá 1 năm và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho vay lần đầu.

Minh chứng rõ hơn từ Kiểm toán Nhà nước là Ngân hàng Công thương (Vietinbank) gia tăng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, vay Ngân hàng Nhà nước và huy động khác đã làm ảnh hưởng đến tính ổn định và công tác cân đối vốn hoạt động trong kinh doanh.

Năm 2010, tổng nguồn vốn huy động trên thị trường 2 và huy động khác là 133.871 tỷ đồng, tăng 61.940 tỷ đồng so với năm 2009 (tương đương tăng 86,2%) và chiếm 39,38% tổng nguồn vốn huy động của Vietinbank.

Một số TCTD “lợi dụng” lãi suất tái cấp vốn - 1

Việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ năm 2010 của NHNN không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái nói, lãi suất tái cấp vốn là một công cụ giúp cải thiện tính thanh khoản cho ngân hàng cũng như tài trợ cho những nội dung cụ thể. “Chúng tôi đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện đánh giá công cụ này sao cho đúng quy định, mục tiêu”.

Cũng trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng nhằm phục vụ nông nghiệp, khuyến khíc sản xuất, xuất khẩu theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 31,19%, vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Chính phủ 6,19% đã gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản ở mức cao, tương ứng với 40,93% và 28,11%.

Diễn biến trên tác động tới tỷ lệ nợ xấu trong năm 2010 tăng so với 2009 khi chiếm 2,19% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu năm 2009 so với tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế là 2,05%. Đối với một số ngân hàng được kiểm toán, thì tỉ lệ nợ xấu của năm 2010 cũng tăng so với 2009. Như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) là 2,91% năm 2010 so với 2% của 2009. Vietinbank là 1,27% so với mức 0,61%.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Năm 2010, lạm phát của Việt Nam là 11,5% cao hơn so với chỉ tiêu 8% mà Quốc hội đề ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiểu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN