Làn sóng xóa sổ công ty chứng khoán

Không còn mặn mà với chứng khoán, nhiều đại gia đã rời xa kênh đầu tư này. Làn sóng thoát hẳn khỏi chứng khoán có thể sẽ còn dữ dội hơn trong thời gian tới sau một thời kỳ chờ đợi hồi phục không thành.

Từ bỏ chứng khoán

Trong tuần vừa qua, Công ty chứng khoán Chợ Lớn (CLSC) đã chính thức công bố quyết định về việc giải thể công ty. Đây là CTCK đầu tiên trên thị trường đưa ra quyết định như vậy sau 7 năm hoạt động. Công ty sẽ thanh lý các hợp đồng và các khoản nợ tới cuối tháng 10/2013.

Trước đó khoảng một tháng, ĐHCĐ Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVS) cũng đã thông qua chủ trương giải thể công ty và sẽ sớm chia tiền cho cổ đông theo nhiều giai đoạn khác nhau, dự kiến tới cuối năm 2013 mới xong.

AVS đã bắt đầu thu hẹp hoạt động vào giữa năm ngoái, đến nay hoạt động tất toán tài khoản của khách hàng đã gần hoàn tất. Công ty cũng đã thanh toán nợ nần với khách hàng; cắt giảm nhân viên; ngừng giao dịch trên cả sàn niêm yết và Upcom… Chợ Lớn cũng đã có những bước rút gọn hoạt động tương tự trong cả năm qua.

Làn sóng xóa sổ công ty chứng khoán - 1

Trái ngược với CLSC và AVS, khá nhiều CTCK đã âm thầm rời bỏ thị trường như Chứng khoán Liên Việt cũng đã xin rút tư cách thành viên tại hai sở giao dịch, chuyển toàn bộ khách hàng về cho chứng khoán Kim Long.

Trong khi đó, nhiều khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện hàng loạt các quyết định xóa sổ công ty chứng khoán.

Hiện tại, UBCK đang tính toán phương án rút giấy phép thành lập và hoạt động bắt buộc đối với 3 CTCK: Trường Sơn, Hà Nội và Cao Su (tên mới là Delta). Đây là kết cục đã được nhiều người tính đến từ lâu bởi cả 3 thành viên này gần như không còn hoạt động trong cả năm qua, không khắc phục được tình trạng mất an toàn tài chính và cũng đã hết hạn 6 tháng bị đình chỉ hoạt động theo quyết định của UBCK.

Không chỉ Trường Sơn, Hà Nội và Delta, hồi giữa tháng 4 vừa qua, UBCK cũng đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS) trong vòng 6 tháng do không đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn.

Trong thời gian bị đình chỉ, Tràng An không được mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán, không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản theo yêu cầu của khách hàng… An phạt “đình chỉ” có lẽ là bước cuối cùng trước khi bị rút phép.

Chạy càng sớm càng tốt

Chưa đến mức bị “đình chỉ” nhưng hàng loạt các CTCK khác cũng đang ở trong tình trạng sống dở chết dở, bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, bị cảnh báo vì thua lỗ, nợ nần, sai phạm… và khả năng bị loại ra khỏi TTCK không hề nhỏ.

Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã lên tới cả chục đơn vị. Ngoài các đơn vị nêu trên, còn có GBS, SBS, Công nghiệp (VIG), Mê Kông, SME… Số lượng CTCK nằm trong diện cảnh báo do khó khăn, thua lỗ hoặc cảnh cáo do vi phạm cũng rất nhiều.

Một trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt là CTCK Thương mại và Công nghiệp (VIG). Theo thông báo của UBCK cách đây vài ngày, VIG được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt do công ty này đã khôi phục an toàn tài chính nhờ thu hồi được nợ, rút bớt nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, tái cơ cấu danh mục đầu tư nhằm giảm giá trị rủi ro thị trường.

Làn sóng xóa sổ công ty chứng khoán - 2

Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động của VIG, nhiều người không khỏi lo ngại bởi doanh thu quý I/2013 của đơn vị này chỉ đạt 3,1 tỷ đồng (so với vốn hơn 340 tỷ đồng). CTCK này lỗ liên tiếp trong hai năm liên tiếp 2011 (-96 tỷ đồng) và 2012 (-63 tỷ đồng).

Rất nhiều CTCK trong suốt cả năm qua đã phải rút gọn hoạt động như: đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch; cắt giảm nhân viên, lương thưởng, thù lao; thắt chặt chi tiêu; chấm dứt tư cách thành viên tại các sàn; rút nghiệp vụ môi giới…

Nhiều CTCK càng hoạt động càng thua lỗ. Có doanh nghiệp thua lỗ 5-6 năm liên tiếp. Nhiều đơn vị đóng cửa gần hết (thậm chí hết) các chi nhánh lẫn trụ sở chính và không còn bất cứ một hoạt động gì ngoài đầu tư; một số CTCK thậm chí còn không còn tiền để trả cho đội ngũ lãnh đạo, trả tiền thuê văn phòng… nhưng rất ít công ty tính tới chuyện giải thể.

Quy mô TTCK Việt Nam khá nhỏ bé, nhỏ lượng CTCK như hiện nay là quá nhiều và thị phần môi giới đã được xác định với 60-70% rơi vào 10 CTCK lớn nhất, 95 CTCK nhỏ còn lại tranh nhau phần còn lại.

Trước đây, rất nhiều CTCK nhỏ sống nhờ vào “doanh thu khác”, hay chính là hoạt động đầu tư, tự doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK trầm lắng và đi xuống như vài năm gần đây, khả năng kiếm lời từ hoạt động nói trên là khó khăn, chưa muốn nói ngược lại.

Một số chuyên gia cho biết, việc thành lập CTCK đã rất khó (thời điểm TTCK nóng) thì việc đóng cửa còn khó hơn rất nhiều do thủ tục, quy định, tất toán tài khoản, giải quyết công nợ, vướng mắc, thanh lý hợp đồng, tài sản, thuế…

Những vướng mắc trong khâu giải thể, phá sản dường như ai cũng biết. Nó đặc biệt khó khăn hơn với các CTCK bởi sự liên quan tới các khách hàng, tới ngân hàng, tới các cổ đông lớn, nhỏ (tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ, tổ chức tín dụng)…

Các CTCK còn vốn nhưng kém hiệu quả có thể được tạo điều kiện giải thể để cổ đông thu hồi vốn. Các đơn vị đã cụt hết hoặc gần hết vốn có thể được tạo điều kiện về quy định để khai tử nhanh chóng, tránh để ảnh hưởng tới niềm tin nói chung trên TTCK. Việc tái cấu trúc TTCK có lẽ nên đẩy mạnh đầu tiên ở khâu hoạt động của các CTCK. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huấn Tú (Diễn đàn Kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN