Lãi suất 15%: Giấc mơ không có thật?
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước công bố kể từ ngày 8-5, lãi suất cho vay cao nhất với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa là 15%/năm, nhưng theo các DN, cho đến nay điều đó vẫn chỉ là mơ ước.
Lãi suất cao cũng khó vay
“Chúng tôi không mơ màng việc tiếp cận vốn ngân hàng dù lãi suất 15% hay thấp hơn nữa”- Ông Phạm Văn Minh-Giám đốc Cty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm Phú An Sinh nói thẳng khi được hỏi về chuyện tiếp cận vốn lãi suất 15%.
Theo ông Minh, công ty đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm ăn nên có những khoản nợ nần. Riêng nợ ngân hàng hiện gần 5 tỷ đồng với lãi suất 18,5%/năm.
Ông Minh cũng cho biết đang muốn bán nhà xưởng lấy tiền trả nợ nhưng còn phân vân vì bán hết nhà xưởng cũng chưa chắc trả hết nợ, trong khi hàng chục người lao động cũng thất nghiệp theo mình.
Chính vì vậy ông cố gắng tìm cách giữ lại công ty bằng việc vay vốn đầu tư sản xuất với hy vọng từng bước trả nợ, vực dậy công ty. Tuy nhiên, theo ông Minh, điều kiện của các ngân hàng đưa ra như đánh đố: DN muốn vay mới thì phải tất toán nợ cũ.
Nhưng khi trả nợ cũ rồi thì cũng không dám đảm bảo ngân hàng có tiếp tục cho vay mới, hoặc nếu cho vay lãi suất cao hơn nhiều so với 15% thì liệu có chịu nổi?
Ông Châu Nhựt Trung, lãnh đạo Cty chế biến thực phẩm Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng có mối lo tượng tự về “bài toán đố” trong vay vốn: “Nhiều DN đang rất khó khăn nên không trả được nợ và trở thành nợ xấu. Khi đã là nợ xấu thì không thể tiếp tục vay vốn”- Ông Trung nói.
Vì vậy, ông Trung cũng như nhiều DN cho rằng lãi suất 15% hay thấp hơn mà với cách siết chặt việc cho vay như hiện nay của các ngân hàng thì cũng không giúp ích gì cho các DN.
Bà Lê Thanh Nga-Giám đốc tài chính Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Ngọc Long (Bình Dương) cho biết: Chúng tôi là khách hàng VIP của một ngân hàng nhưng vay vẫn là 17%.
Cũng như các đợt giảm lãi suất trước, ngân hàng thì cứ nói giảm nhưng khi đi hỏi thì chả ngân hàng nào cho vay với lãi suất mà mình vừa công bố và họ lấy hết lý do này, lý do nọ để không cho vay.
Dù lãi suất ưu đãi nhưng nhiều DN (trong diện ưu đãi) vẫn không thể tiếp cận được vốn với lãi suất 15% .
Có ngân hàng đến tiếp thị gói cho vay lãi suất thấp, nhưng khi họ định giá tài sản lại quá thấp nên vay cũng chả được bao nhiêu.
Nhìn chung, các ngân hàng đưa ra một con số về lãi suất rất đẹp, nhưng ai nhận được mới là vấn đề. Lãi suất bao nhiêu do ngân hàng quyết định, DN không trả giá được.
Thừa tiền, nhưng sợ nợ xấu
LienVietbank Post vừa công bố chương trình 60 ngày “Tiếp sức doanh nghiệp”. Theo đó DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể vay vốn với lãi suất 14% năm VND và 4%/năm đối với USD.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietbank Post cho biết, dù các khoản vay này luôn sẵn tiền nhưng thực tế rất khó giải ngân, bởi sức khỏe DN yếu quá, hàng tồn kho không bán được, không có tiền quay vòng.
“Nếu DN khỏe thật, chúng tôi sẵn sàng cho vay lãi suất 12/%/năm”- Ông Hưởng chia sẻ.
Theo số liệu công bố mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 16-4, tín dụng vẫn tăng trưởng âm tới 1,71%.
Với 8 tháng còn lại, cơ quan này tính toán: tín dụng sẽ tăng trưởng tối đa là 12% và cả năm sẽ ở mức khoảng 10%. Mức tăng trưởng tín dụng thấp như vậy sẽ làm tổng vốn đầu tư xã hội giảm khoảng 50 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.
Phân tích về tình trạng không tiếp cận được vốn, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng vấn đề DN không tiếp cận được vốn hiện nay không nằm ở vấn đề lãi suất mà nằm ở việc xử lý nợ xấu.
“Đứng trên quan điểm cũng là DN, các NHTM đang hành động trước hết vì lợi ích của bản thân. Vì thế DN rất khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng, bởi các hàng rào về chuẩn tín dụng mới mà các ngân hàng đưa ra”- Ông Nghĩa nói.
Lãnh đạo một NHTM chia sẻ: “Thị trường đang thừa vốn, ngân hàng tôi cũng thừa, dù chúng tôi thực lòng muốn cho vay nhưng không thể bằng mọi giá, vì nếu không khéo sẽ rơi ngay vào nợ xấu. Đó là điều không một ngân hàng nào muốn”.
Ông Đỗ Minh Phú-Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong cho rằng: “Vần đề là phải hỗ trợ để DN tốt lên, mà ngân hàng không thể nào hỗ trợ cho DN được trừ phi có quỹ hỗ trợ của Chính phủ bảo lãnh.
Tôi cho DN vay nhưng khi có vấn đề gì đó thì có quỹ hỗ trợ bảo lãnh khoản vay của DN, có như vậy ngân hàng mới sẵn sàng bơm vốn cho DN.
Như vậy DN mới giải quyết được hàng tồn kho, bán được hàng thì họ mới tiếp tục sản xuất được, còn hàng tồn kho đầy ra đấy thì cho vay cũng chả để làm gì, trừ trường hợp vay để đảo nợ”.
Có thể mở rộng đối tượng ấn định trần lãi suất cho vay
Theo một đại diện NHNN, "nút thắt tiền tệ suốt thời gian qua đã siết quá chặt khiến DN và nền kinh tế không chịu được”. Chính vì vậy, cơ quan này đang nghiên cứu khả năng ấn định cả trần lãi suất cho vay với cả các lĩnh vực không khuyến khích. Theo đó, mức cho vay tối đa theo quy định đó là 15%/năm và sẽ mở rộng cho nhiều đối tượng vay vốn hơn, thay vì giới hạn cho 4 lĩnh vực đang áp dụng.