Kinh tế giảm tốc sau 5 năm gia nhập WTO

Tăng trưởng của 3 ngành kinh tế trụ cột 5 năm sau khi gia nhập WTO đều thấp hơn so với giai đoạn trước khi gia nhập trong khi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn diễn ra chậm chạp.

Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 3/4 cho thấy, tăng trưởng bình quân khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản trong 5 năm từ 2007-2011 là 3,4% hàng năm, thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO tới 0,6 điểm phần trăm.

Ngay cả khi loại trừ những yếu tố có ảnh hưởng bất lợi tới ngành này như thời tiết, giá đầu vào tăng trong khi giá nông sản thế giới trong năm 2009 sụt giảm mạnh thì chất lượng tăng trưởng của ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản vẫn chưa thực sự có những bước tiến vững chắc.

Theo TS. Phạm Lan Hương, nguyên quyền Trưởng ban, Ban chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành cũng như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ còn chậm, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong ngành vẫn chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thấp...

Kinh tế giảm tốc sau 5 năm gia nhập WTO - 1

Sức tăng trưởng thấp của cả 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong giai đoạn này đã kéo theo tăng trưởng kinh tế đạt thấp.

Đáng chú ý, một số ngành như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có tác động lan tỏa lớn trong nền kinh tế, tác động tích cực cho cả nền kinh tế nhưng lại không đòi hỏi nhập khẩu nhiều đầu vào lại chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng.

Tương tự, công nghiệp - xây dựng trong giai đoạn 2002-2006 luôn là khu vực năng động với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10,2%. Kể từ sau khi gia nhập WTO, tăng trưởng của khu vực này đã giảm xuống 7%/năm, thấp hơn đáng kể so với 5 năm trước đó và không đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Thậm chí, các năm từ 2008-2011, tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 1991 đến nay. Báo cáo của CIEM nhận định, nếu nguyên nhân làm công nghiệp xây dựng tăng trưởng thấp trong năm 2008 và 2011 là khai khoáng và xây dựng tăng trưởng âm, thì trong năm 2009 là tăng trưởng thấp trong ngành chế biến, chế tạo.

Giai đoạn 2010-2011, ngành công nghiệp chế biến đã phục hồi trở lại, nhưng vẫn còn thấp so với những năm trước đó và chưa vững chắc. Nhiều sản phẩm có chỉ số tồn kho cao.

Không chỉ vậy, bà Phạm Lan Hương còn cho biết hiệu quả cạnh tranh của ngành công nghiệp thời gian qua vẫn chưa được cải thiện nhiều, cứ mãi “ù lỳ” vậy thôi, giá trị gia tăng thấp và vẫn phải nhập khẩu nhiều.

“Lĩnh vực dệt may, da giày của Việt Nam có tác động kích thích tăng trưởng song đồng thời cũng kích thích nhập khẩu. Nếu phát triển những lĩnh vực này thì phải tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước mới tác động tốt đến tăng trưởng. Tương tự, một số lĩnh vực cũng quá phụ thuộc vào vốn đầu tư”, bà Hương nói.

Chỉ duy nhất có ngành dịch vụ trong giai đoạn 2007-2011 tăng nhẹ so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO (7,5% so với 7,4%). Trong giai đoạn 2007-2011, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của các ngành dịch vụ chủ chốt như thương mại, khách sạn - nhà hàng, tài chính - tín dụng, giáo dục - đào tạo, vận tải - bưu điện - du lịch vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhưng không ổn định.

Điều đáng ngại là 2 ngành quan trọng tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là chuyên môn - khoa học - công nghệ và hoạt động hành chính - dịch vụ hỗ trợ lại có mức tăng trưởng thấp nhất trong khu vực dịch vụ (4,2% và 4,8%).

Theo báo cáo của CIEM, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho năng suất lao động của ngành dịch vụ chưa cao là tính chuyên nghiệp của lao động trong ngành dịch vụ còn thấp. Ngoài ra, trong nền kinh tế còn tồn tại khu vực dịch vụ phi chính thức, nhất là trong thương mại, với năng suất lao động rất thấp.

Sức tăng trưởng thấp của cả 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong giai đoạn này đã kéo theo tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Theo một tính toán của CIEM, nếu Chính phủ không đưa ra gói kích thích kinh tế thì tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt mức 4-4,5%, thấp hơn so với thực tế khoảng 1-1,5 điểm phần trăm.

Và theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, giá phải trả cho gói kích thích này để đổi lấy 1% tăng trưởng là giá quá cao, đấy là chưa kể nó đã tạo ra nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn cho những năm tiếp theo.

Một điểm nữa cũng được ông Thành lưu ý đó là trong bối cảnh kinh tế khó khăn nông nghiệp thường là ngành được trông cậy cho kinh tế Việt Nam, tuy vậy một số lĩnh vực đang được bảo hộ ở mức độ cao như bông, dâu tằm, rau quả nhiệt đới... lại đang bộc lộ những mặt yếu kém trong khi ngành tưởng chừng có thế mạnh như dệt may, da giày lại có tác động lan tỏa kém.

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng, các biện pháp bảo hộ cần dần được thay thế bằng những chính sách phát triển gắn với mạng sản xuất và chuỗi giá trị, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất của Việt Nam. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Hương (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN