Hụt thu do... ưu đãi chính sách

Tổng cục Thuế cho biết, số doanh nghiệp đóng cửa, bỏ trốn, phá sản nhiều trong khi nguồn thu từ các tập đoàn, tổng công ty và khối ngân hàng giảm mạnh… khiến nguồn thu ngân sách chao đảo. Nhiều vấn đề của ngành thuế đang được đẩy mạnh khắc phục.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua ngành thuế rất đau đầu khi có nhiều ý kiến cho rằng ngành đã không làm “tròn vai” khi để tình trạng nợ đọng thuế lớn, hụt thu cao xảy ra tại nhiều địa phương khiến tình hình chi tiêu ngân sách căng thẳng. Tuy nhiên, việc hụt thu ngân sách có nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố do thực hiện các chính sách miễn, giãn giảm thuế của Quốc hội và Chính phủ.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, ước cả năm 2013, thu nội địa do ngành thuế quản lý hụt khoảng 15.500 tỷ đồng so với dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Nếu không tính số ghi thu, ghi chi qua ngân sách (31.730 tỷ đồng) thì nguồn thu bị hụt tới 47.230 tỷ đồng so với dự toán.

Nguyên nhân chính của tình trạng hụt thu do tăng trưởng kinh tế không đạt được như dự kiến ban đầu khi xây dựng dự toán thu. Thêm vào đó là việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể gia tăng, tính đến cuối tháng 9 là 78.477 đơn vị.

Hụt thu do... ưu đãi chính sách - 1

Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục thuế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Trong bối cảnh nguồn thu bị giảm, việc thực hiện các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế của Chính phủ cũng góp phần làm hụt thu 9.470 tỷ đồng.

Một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách là thu từ khối các ngân hàng, ước tính cả năm khoảng 24.000 tỷ đồng, nhưng việc tái cơ cấu các ngân hàng, xử lý nợ xấu làm giảm thu khoảng 14.500 tỷ đồng so với dự toán. Riêng 4 ngân hàng thương mại lớn hụt tới 5.600 tỷ đồng.

Các “nắm đấm” của nền kinh tế là các tập đoàn, tổng công ty lớn hầu hết đều dự báo giảm đóng góp cho ngân sách khá lớn và thấp hơn so với cùng kỳ. Theo tính toán, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành thuế trong các tháng cuối năm cần thu bình quân 52.528 tỷ đồng/tháng, tăng thêm 15.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nhiều “chiêu” gian lận thuế mới

Ông Nam cũng cho rằng, một trong những vấn đề khiến ngành thuế đau đầu hiện nay là việc các DN lợi dụng cơ chế thông thoáng của Nhà nước về thủ tục thành lập DN để gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của Nhà nước. Tính chung số tiền hoàn thuế VAT 9 tháng đầu năm 2013 là 66.432 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu eo hẹp, nhiều DN đã “phát minh” ra các hành vi gian lận thuế mới như khai thiếu số thuế phải nộp, khai sai để giảm số phải nộp. Có trường hợp không kê khai hoặc kê khai nhưng sau đó bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, chuyển giá để tránh thuế…

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2013 nổi lên tình trạng một số cá nhân lập DN “đen” để kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp hàng nông sản tại khu vực Tây Nguyên và lập DN “đen” ở khu vực Tây Nam bộ để xuất khẩu hàng công nghệ phẩm qua biên giới để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

Ngành thuế cũng thực hiện phân loại DN để tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế để ngăn chặn thất thoát tiền hoàn thuế. Như tại Lâm Đồng đã rà soát toàn bộ tình hình khấu trừ, hoàn thuế của DN có dấu hiệu vi phạm để đưa vào kế hoạch thanh tra.

9 DN đã phải giảm số thuế VAT được khấu trừ tới 28,73 tỷ đồng. Tại Đắk Lắk đã điều chỉnh giảm số thuế VAT đã khấu trừ của 42 DN với số tiền 134 tỷ đồng. 5 DN bị thu hồi tiền hoàn thuế 25,96 tỷ đồng.

“Chúng tôi cũng phối hợp với Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh II để điều tra, khởi tố với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận thuế. Như tại Kiên Giang, cơ quan an ninh đã khởi tố 4 DN và làm rõ 1 DN làm hồ sơ xuất khẩu khống để xin hoàn thuế.

Có 4 bị can thuộc 4 DN đã bị khởi tố, bắt giam 3 bị can lập DN để bán hóa đơn tại TPHCM. Mới đây nhất, ngày 15/10, cơ quan an ninh đã khởi tố bắt giam giám đốc Cty TNHH Thiên Lộc”, ông Nam cho biết.

Đại diện ngành thuế cũng thừa nhận, việc cưỡng chế nợ thuế của ngành chưa kiên quyết, nhiều cục thuế, chi cục thuế chưa thực hiện đúng quy định theo quy trình quản lý nợ thuế.

Để phấn đấu giảm số tiền nợ thuế, Bộ Tài chính đang chỉ đạo toàn ngành thuế tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để giảm số nợ đọng thuế. Cụ thể, với những DN nợ thuế lớn, chây ì sẽ bị công bố công khai tình hình nợ nần trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Để khắc phục tình trạng thất thu, trốn lậu, gian lận thuế trong các tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành tập trung thanh, kiểm tra các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, nhà thầu nước ngoài”, ông nói.

Hà Nội và TPHCM nợ thuế nhiều nhất

Tổng số nợ thuế tính đến hết tháng 9 là 64.834 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cuối năm 2012. Trong đó, hai địa phương lớn nhất là Hà Nội và TPHCM chiếm lần lượt 27,3% và 26,4% tổng số nợ toàn ngành. Tiền nợ sử dụng đất là 7.986 tỷ đồng. Số phạt chậm nộp và chậm nộp đến hết tháng 8 lên tới 10.083 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ khó thu là 9.462 tỷ đồng, tăng 43,4%. Tiền thuế nợ đến 90 ngày là 12.970 tỷ đồng, nợ trên 90 ngày là 40.040 tỷ đồng, tăng 12.188 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN