Hơn 1200 tỷ cho vay nhà ở xã hội chưa thể giải ngân

Sự kiện: Nhà giá rẻ

Sau khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì khó khăn đầu tiên gặp phải trong phát triển nhà ở xã hội là câu chuyện nguồn vốn. Vậy làm sao để giải quyết bài toán này?

Thông tin tại phiên thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định rõ quan điểm “phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân”; cùng với việc phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường thì cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Hơn 1200 tỷ cho vay nhà ở xã hội chưa thể giải ngân - 1

Sau khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì khó khăn đầu tiên gặp phải trong phát triển nhà ở xã hội là câu chuyện nguồn vốn. (Ảnh: Khu nhà ở xã hội CT19A khu đô thị Việt Hưng Long Biên, Hà Nội)

Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, cụ thể là đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ cho khoảng 500 nghìn hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Ông Vũ Văn Phấn cũng khẳng định, trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì khó khăn đầu tiên gặp phải là câu chuyện nguồn vốn.

"Nguồn vốn tiếp theo sẽ như thế nào?", ông Phấn đặt câu hỏi. 

Theo ông Phấn, ngân sách Nhà nước hiện nay đang phải phục vụ cho nhiều chương trình. Đến giờ này, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc thì hiện có khoảng 2.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và người có công với cách mạng. Trong đó, hơn 800 tỷ đồng phân bổ cho hỗ trợ nhà ở cho người có công, còn hơn 1.264 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. 

Ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng chính sách xã hội) cho hay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã quản lý và sử dụng nguồn vốn, thực hiện cho vay đúng đối tượng theo Nghị định 100/2005/NĐ-CP. Phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho vay. Hiện tại, lãi suất cho vay là 4,8%. 

Thế nhưng, đối với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020, được Chính phủ cấp vốn cho vay là 1.062 tỷ đồng, do chưa nhận được số tiền này nên ngân hàng cũng chưa thể cho người dân vay vốn. 

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, cá nhân ông cảm thấy, tài chính cho nhà ở xã hội đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam, dường như chủ yếu chỉ huy động từ ngân hàng là chính, từ đó khuyến khích ngân hàng cho vay. Theo ông, đây không phải giải pháp dài hạn và lâu bền, gây bức xúc cho ngành ngân hàng vì phải chịu nhiều áp lực lãi suất cho người gửi tiền.

“Tôi nghĩ Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để huy động nguồn vốn khác hỗ trợ. Có thể thành lập một quỹ riêng cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, như kinh nghiệm của Hà Lan”, ông Nghĩa nói.

Đồng tình với quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Phấn thông tin thêm, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì cần nghiên cứu theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước đối với nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Về lâu dài, phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội. 

Đại diện Ngân hàng Chính sách cũng cho biết thêm, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vận động các dòng vốn đầu tư từ các nguồn khác thì Ngân hàng chính sách xã hội cũng đã có một số biện pháp, vận động địa phương để có thêm nguồn vốn ủy thác nhằm phát triển khu vực nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thư (Infonet)
Nhà giá rẻ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN