Hoàn tất phương án xử lý 9 nhà băng

NHNN vừa cho biết phương án xử lý 9 NHTM yếu kém đã hoàn tất và trình Chính phủ. Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố trong tháng 6 sẽ hoàn tất phương án xử lý toàn bộ 9 NH yếu kém.

NH tự cơ cấu

Theo NHNN, trong phương án chung xử lý 9 NHTM yếu kém, sau khi kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập sẽ để các NH này tự xây dựng phương án xử lý cho mình, chỉ khi không xây dựng được phương án riêng, NHNN sẽ can thiệp.

Đầu tháng 7 NHNN cũng đã có Văn bản 3977 chấp thuận việc cơ cấu lại TienPhongBank theo các kế hoạch tái cơ cấu như sau: TienPhongBank sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm, trong đó tận dụng thế mạnh của Doji mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh vàng. Với cổ đông FPT, TienPhongBank sẽ hỗ trợ cho các công ty, đơn vị ứng dụng công nghệ về tài chính, kinh nghiệm quản trị.

Có thể thấy ngoài trường hợp hợp nhất 3 NH đầu tiên và sáp nhập Habubank vào SHB, theo Đề án Tái cơ cấu của TienPhongBank, cũng như NaviBank, Nhà nước không phải tốn chi phí hỗ trợ mà sử dụng nguồn lực từ NH.

Cụ thể, các cổ đông lớn của NHTM yếu kém đã chủ động mời các nhà đầu tư tham gia, trong đó chấp nhận thay đổi hệ thống quản trị NH, nhất là các vị trí lãnh đạo cao cấp. Đơn cử, trường hợp TienPhongBank có sự tham gia của Tập đoàn Vàng bạc Doji.

Theo đó ông Đỗ Minh Phú, Tổng giám đốc Doji, đã làm Chủ tịch HĐQT của TienPhongBank và hôm qua 4-7 NHTM này cũng chính thức công bố Tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Hưng (nguyên Tổng giám đốc của VPBank).

Chưa biết kết quả tái cơ cấu NHTM sẽ hiệu quả đến đâu, nhưng giải pháp này đang được các NHTM ưu tiên thực hiện, thay vì tìm đối tác trong hệ thống để hợp nhất, sáp nhập.

Bởi lẽ giải pháp này không gây xáo trộn về mặt tâm lý cho CBCNV NH và về mặt nào đó cổ đông cũ dễ có sự thỏa thuận theo hướng có lợi hơn với nhà đầu tư mới so với phương án sáp nhập, hợp nhất với NH khác.

Bài toán chi phí

Vấn đề đang được dư luận quan tâm và tranh luận là chi phí để tái cơ cấu hệ thống NHTM lấy từ đâu trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp. Vì vậy phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ trông chờ vào Nhà nước.

Trong đó, ngoài việc các NHTM phải tự bỏ chi phí ra để tái cơ cấu, giải pháp được trông đợi là mời gọi nhà đầu tư nước ngoài rồi mới đến cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hiện có cả chục NH lớn nằm trong danh sách “đen” có dư nợ cao trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Những NH này chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức lớn trong việc xử lý nợ xấu theo lộ trình tái cơ cấu NH, đặc biệt là việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Hoàn tất phương án xử lý 9 nhà băng - 1

Đề án tái cơ cấu của TienPhongBank chỉ sử dụng nguồn lực từ NH

Khi quyết định này được thông qua và ban hành, việc phải trích lập dự phòng đồng nghĩa các NHTM phải gia tăng chi phí, ảnh hưởng vào lợi nhuận. Thực tế trên báo cáo tài chính của nhiều NH còn có những món nợ trên liên NH quy mô lớn, trong đó nhiều khoản vẫn chưa thể thu hồi, tức tỷ lệ phải trích lập dự phòng sẽ tăng cao khi phân loại nợ. Như vậy, các NHTM sẽ phải “chịu đau” trong lộ trình tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN.

Gần đây, nhiều NHTM nhỏ đã đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2012, trong đó không chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu mà còn mời chào nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia.

Điều này cho thấy các NHTM đang gấp rút tăng vốn trong năm nay không chỉ để củng cố nội lực, mở rộng khả năng cho vay, mà còn vì nhiều NHTM yếu kém đứng trước sức ép phải cơ cấu lại nguồn vốn khi nợ xấu có khả năng ăn mất hết vốn tự có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Như ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN