HBB - SHB: Sáp nhập đã đi đến đâu?

Theo phương án sáp nhập được hai ngân hàng công bố, việc triển khai sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn và hiện đã hoàn thành giai đoạn 1.

Ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3651 chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank, HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), sau khi SHB trình đề án hôm 12/6. Theo đó, hai ngân hàng này phải hoàn tất hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 04/2010/TT-NHNN để được chấp thuận sáp nhập chính thức.

Quá trình sáp nhập đang ở giai đoạn 2

Theo phương án sáp nhập được hai ngân hàng công bố, việc triển khai sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn: chuẩn bị, triển khai các thủ tục sáp nhập và hoàn tất giao dịch sáp nhập. Hiện hai ngân hàng đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho sáp nhập. Như vậy, quá trình sáp nhập đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang trong tiến trình hoàn thiện hồ sơ, xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho phát hành thêm cổ phiếu.

Cổ phiếu HBB dưới giá trị quy đổi 20%

Trên sàn chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu của hai ngân hàng khá tương đồng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2012. Sau đó, diễn biến giá có sự khác biệt, mặc dù cùng tăng cùng giảm, nhưng mức độ chênh lệch đã tạo ra một khoảng cách khá lớn (xem đồ thị).

Tính đến ngày 14/6, giá cổ phiếu SHB là 9.300 đồng/CP, tương đương giảm 20,5% so với mức đỉnh 11.700 đồng/CP. Còn giá cổ phiếu HBB là 5.100 đồng/CP, tương đương giảm 33,7% so với mức đỉnh 7.700 đồng/CP. Tuy nhiên, nếu so với mức đáy trong 6 tháng qua, cổ phiếu SHB đã tăng giá tới 72,2%, còn cổ phiếu HBB tăng 27,5%.

HBB - SHB: Sáp nhập đã đi đến đâu? - 1

Diễn biến giá cổ phiếu SHB và HBB trong 6 tháng qua

Tại ĐHCĐ SHB ngày 5/5/2012, Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển giải thích, theo thỏa thuận của HBB và SHB, khi hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng, cổ đông HBB được nhận 75% giá trị trên vốn điều lệ của HBB (4.050 tỷ đồng), 25% còn lại sẽ bù đắp lại cho cổ đông của SHB. SHB sẽ phát hành số lượng cổ phiếu 100% vốn điều lệ hiện tại của HBB để hoán đổi.

Ông Hiển cho biết: “Bản chất đây không phải là cổ phiếu thưởng, cổ phiếu thặng dư, nên không có việc điều chỉnh giá tham chiếu, cũng như pha loãng cổ phiếu”.

Như vậy, cổ phiếu SHB sẽ không bị điều chỉnh giá khi phát hành thêm cổ phiếu mới. Thay vào đó, cổ đông của HBB sẽ đổi 1 cổ phiếu HBB lấy 0,75 cổ phiếu SHB mới tương ứng. Giả sử giá cổ phiếu SHB trên sàn không đổi (đứng ở mức 9.300 đồng/CP), thì theo tính toán của ĐTCK dựa trên diễn biến giá trong thời gian qua, cổ phiếu HBB đang được giao dịch dưới giá trị quy đổi xấp xỉ 20% (xem đồ thị).

Phương án chuyển đổi đã được công bố từ trước, vậy tại sao cổ đông của HBB lại đang bán thấp hơn giá trị sẽ nhận được? Lý giải nguyên nhân này, một số chuyên gia và nhà đầu tư cho biết, giá cổ phiếu HBB thấp hơn phản ánh kỳ vọng của cổ đông về việc giá cổ phiếu SHB mới sẽ giảm mạnh sau khi sáp nhập. Bên cạnh đó, việc không biết quá trình sáp nhập sẽ kéo dài bao lâu khiến cổ đông không còn đủ kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu. Tuy nhiên, một lý do hợp lý khác cũng được đưa ra là việc cổ phiếu HBB thời gian qua đã được nhiều nhà đầu tư lướt sóng “ăn theo” thông tin sáp nhập và giờ là giai đoạn thoái trào của cổ phiếu này.

Lợi - thiệt ngày không hưởng quyền

Đại diện Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, hiện chưa có phương án phát hành cổ phiếu của SHB, nên chưa thể quyết định có hay không điều chỉnh giá tham chiếu của cổ phiếu SHB tại ngày giao dịch không hưởng quyền. Tuy nhiên, nếu không có căn cứ tính toán chính xác mức độ điều chỉnh, HNX có thể cân nhắc áp dụng biện pháp nới rộng biên độ giao dịch để thị trường tự quyết định giá cổ phiếu SHB.

Theo số liệu của PV, hiện cổ phiếu HBB đang thấp hơn giá trị cổ phiếu SHB quy đổi khoảng 20% giá trị. Như vậy, một phương án thả biên độ trên 20% trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhiều khả năng được áp dụng.

Nếu không điều chỉnh giá cổ phiếu, thì với biên độ dao động giá 7% của HNX, cổ đông nắm giữ cổ phiếu của cả hai ngân hàng trước ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ được lợi, trong khi những người mua trong ngày này sẽ nắm phần thiệt, dù giá cổ phiếu SHB có giảm sàn 7%.

Tất nhiên, việc có lợi hay chịu thiệt trên đây chỉ là một trong những tính toán dựa trên các số liệu trong thời điểm hiện tại, còn thực tế thị trường sẽ có câu trả lời chính xác nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN