Hàng ngàn tỷ vốn hạ giá mà vẫn "ế sưng"

Nhiều ngân hàng công bố cho vay lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp thấp hơn đối thủ; điều kiện vay đơn giản hơn và kéo dài thời gian nhưng DN vẫn làm ngơ.

Thực tế này được nhiều nhân viên tín dụng doanh nghiệp (DN) của các ngân hàng (NH) thừa nhận. Tùy từng thời điểm và tiềm lực mà NH đưa ra những gói vay ưu đãi đối với khách hàng tiềm năng tuy nhiên DN cũng không mấy mặn mà.

Nhiều ưu đãi

Trao đổi với PV, một nhân viên tín dụng DN của NH Quân đội MBbank Hà Nội cho biết: giữa năm 2012 NH có dành 10 nghìn tỷ cho DN xuất khẩu vay với lãi suất ưu đãi. Tính ra NH chỉ vừa “hòa vốn mà không có lãi” vì lãi suất cho vay thì chỉ tương đương với lãi suất huy động cộng với chi phí phát sinh cơ bản.

Năm 2012 vừa qua vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 NH có dành số tiền 500 tỷ để giải ngân cho các DN vừa và nhỏ, tạo điều kiện để vực dậy những DN thua lỗ với lãi suất ưu đãi và yêu cầu mà NH đặt ra cho các DN cũng dễ dàng hơn nhiều NH khác, anh T nhân viên tín dụng DN tại hội sở của NH Bưu điện Liên Việt chia sẻ.

Hàng ngàn tỷ vốn hạ giá mà vẫn "ế sưng" - 1

Ngân hàng cho vay ưu đãi nhưng DN cũng không mặn mà..Ảnh minh họa: IT

Nhân viên tín dụng này cho biết, khi thẩm định cho vay, NH sẽ phân tích tài chính của các DN, tìm nguyên nhân thua lỗ để giúp họ khắc phục, còn đối với những DN làm ăn bình thường trong thời điểm này, có nhu cầu vay thêm vốn thì NH sẽ hỗ trợ cho vay ngay mà không có quá nhiều thủ tục phức tạp.

Tại các NH khác, khi cho vay họ sẽ có yêu cầu DN phải xếp hạng A mới được được ưu tiên, khi điều tra DN trong mối quan hệ với các NH khác nếu trả quá hạn thì không được thậm chí trả trước hạn còn bị phạt. Nhưng tại NH Bưu điện Liên Việt thì DN chỉ cần xếp hạng 3B, 6 tháng không có nợ xấu hoặc trả quá hạn 3 tháng tại các NH khác thì vẫn được ưu tiên cho vay.

NH cho vay theo sản phẩm và quy chế mà quy chế cũng đơn giản. Bên cạnh những điều kiện chung giống nhau như yêu cầu pháp lý, năng lực, tình hình tài chính thì NH có nhiều chính sách mở. "Quan trọng là xem chủ DN đó có xác định gắn bó lâu dài với NH không hay chỉ một vài năm khi kinh tế khó khăn thì không muốn hợp tác nữa", anh nhấn mạnh.

Còn tìm hiểu tại NH Vietcombank, nhân viên tín dụng ở đây cho biết: Đợt tháng 5/2012 NH có dành 9000 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất ưu đãi, theo quyết định ban đầu là sẽ áp dụng trong 3 tháng. Đến tháng 7 thì có gói hỗ trợ 25 nghìn tỷ cho DN. Lãi suất rất ưu đãi, hiện thời là 10%/năm. Cả 2 gói này được kéo dài hơn và vẫn chưa có thời gian kết thúc.

DN vẫn làm ngơ

Mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi, gói lãi suất ưu đãi; yêu cầu cho vay không ngặt nghèo và chương trình vay ưu đãi đã kéo dài hơn nhưng lượng DN đến vay vốn không nhiều.

Nhân viên tín dụng Liên Việt Postbank cho biết: 10.000 tỷ đồng với một NH thì không nhiều, tuy nhiên đến cuối năm 2012 khi tổng kết lại gói vay ưu đãi này thì vẫn còn thừa vài nghìn tỷ mà DN chưa tiếp cận đến. Đối với DN xuất khẩu thì không đủ điều kiện vay không phải là vấn đề mà chủ yếu là DN tìm đến vay không nhiều.

“Dù chương trình cho vay ưu đãi đã kéo dài tới tận cuối năm 2012. Chủ tịch HĐQT đã đưa ra chủ trương đó với mong muốn giúp đỡ các DN làm ăn trong thời buổi khó khăn nhưng lượng DN đến nộp hồ sơ xin vay vốn vẫn rất mỏng", anh cho biết.

Trong thời gian có gói vay ưu đãi đó thì nhân viên tín dụng cũng đi mời gọi các DN đến với NH nhưng thực tế số DN vay gói vay ưu đãi đó không nhiều.

Nhân viên tín dụng Vietcombank dù không tiết lộ số lượng DN đến vay nhiều hay ít nhưng với việc kéo dài gói vay ưu đãi sang năm 2013 thay vì chỉ áp dụng trong 3 tháng như trước cũng đã nói lên thực trạng này.

Đánh giá về tác động của giảm lãi suất cho vay tới các DN, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh cho biết: Một nguyên nhân khiến các DN lao đao, khốn khó trong thời gian qua là do khó tiếp cận nguồn vốn. Với chính sách giảm lãi suất cho vay sẽ tạo thuận lợi cho các DN có nhu cầu vay vốn.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ tác động nhất định đến các doanh nghiệp. Nếu DN nào cần lãi suất thấp hơn thì chính sách này sẽ có tác động tích cực còn DN nào không tiếp cận với các NH thì cũng không có ảnh hưởng. Ở Việt Nam không phải tất cả các DN đều liện hệ về vốn với NH mà khoảng một nửa các DN không có quan hệ với NH, do họ không thích hoặc không đủ điều kiện để vay vốn.

Lý giải cho thực tế này, nhân viên tín dụng MBbank cho hay: hoạt động của NH hiện nay không còn là cơ chế xin-cho như trước. NH hiện nay là mua bán, vì vậy để lôi kéo, mời gọi khách hàng đến với NH mình cũng là một việc khó. Mời gọi cho vay cũng là cả một vấn đề.

Còn theo quan điểm của nhân viên một NH cổ phần, ngoại trừ lý do DN chưa đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu nhất hoặc đã đặt vấn đề vay vốn với các NH khác rồi nên không vay nữa, thì nguyên nhân DN khó khăn quá, có vay ưu đãi cũng không làm ăn được gì nên khi nhân viên tín dụng tiếp cận họ từ chối thẳng.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh lãi suất NH là chi phí đầu vào cực kỳ quan trọng của DN cho nên khi lãi suất thấp thì đầu vào của DN thấp sẽ có lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, DN phải xử lý được một số vấn đề như nợ xấu cho NH, xử lý được hàng tồn kho. Đây là vấn đề quan trong mà các DN cần giải quyết, nếu không khó có thể làm ăn có hiệu quả được ngay cả khi lãi suất cho vay có thấp. NH cho vay nhưng DN không dám vay vì không có khả năng hấp thu được vốn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Nguyễn (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN