Hạ lãi suất: Bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất chịu nhiều áp lực tăng trong thời gian tới nên hạ lãi suất là điều khó ép với thị trường. Điều này đặt Ngân hàng Nhà nước vào thế khó khi một lúc phải đối phó với vô số nhân tố tác động ngược chiều với lãi suất như: biến số về lạm phát, áp lực tăng tín dụng, tăng trưởng nền kinh tế...

Hạ lãi suất: Bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước - 1

Mục tiêu hạ lãi suất đang bị thị trường thử thách.

Dư thanh khoản tạm thời

Báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lãi suất cho vay VNĐ và USD đang giảm đáng kể. Tín dụng vào tháng 6 tăng khoảng 4,96% so với cuối quý I và 8,16% so với cuối năm 2015. 

Tăng trưởng tín dụng giữa quý I và quý II không chênh lệch nhiều do thúc đẩy giải ngân tín dụng ngay trong quý I, tăng phát hành Trái phiếu Chính phủ trong quý II và tác động chèn lấn đối với hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện, khiến doanh nghiệp tiếp tục thận trọng vay vốn.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay là cơ sở cho thấy thanh khoản của toàn hệ thống đang tạm thời ở trạng thái dư thừa. 

Kết quả này đến từ mấy lý do: NHNN hiện mới chỉ trung hòa (hút tiền) một phần, khoảng hơn 20.000 tỉ đồng trong tổng số hơn 170.000 tỉ đồng được dùng để mua ngoại tệ từ đầu năm khiến lãi suất huy động trên thị trường 1 được các ngân hàng duy trì ổn định quanh mức 5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm (overnight) hiện chỉ duy trì quanh mức 0,7-0,9%/năm. Đây được xem là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay.

Bên cạnh khối lượng tiền được NHNN bơm thông qua việc mua ngoại tệ thì với việc tăng trưởng huy động cao hơn tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 cũng cho thấy một lượng lớn tiền trước đây lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng thì hiện nay đã được chuyển vào hệ thống ngân hàng thông qua hình thức tiền gửi. 

Điều này có thể cho thấy hoạt động kinh doanh của người dân đang đối mặt với nhiều thách thức nên buộc họ phải chuyển sang kênh tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, nguồn vốn FDI giải ngân tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng như diễn biến của năm 2015 cũng là một kênh góp đẩy cung tiền trong nền kinh tế tăng cao hơn so với cùng kỳ của nhiều năm trước.

Tuy nhiên, diễn biến của lãi suất lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian tới.

Lo biến số lạm phát

Thông tin nhanh về diễn biến thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm, mới đây, Vụ Phó vụ chính sách tiền tệ NHNN – Nguyễn Đức Long cho biết: Mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.

Không thể có động thái phải giảm lãi suất, xu hướng ở Việt Nam lãi suất rất nhạy cảm với lạm phát khi lạm phát có xu hướng gia tăng. Không thể ép thị trường giảm lãi suất bởi làm điều này thì không thể huy động vốn. 

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Từ nay đến cuối năm, đại diện NHNN cũng cho rằng không thể chủ quan với lãi suất mà theo đó, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay

Tuy nhiên, phân tích từ giới chuyên môn cho thấy: Quyết định tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang đặt NHNN vào vị trí chịu rất nhiều áp lực khi vừa phải đảm bảo cho sự ổn định cho tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát. Chỉ số CPI tính đến hết tháng 6-2016 đã ở mức 2,35% so với cuối năm 2015 và mức tăng được dự báo sẽ cao hơn trong những tháng tới do tác động của cung tiền ở mức cao với độ trễ khoảng sáu tháng.

Thời gian qua, việc nền kinh tế không hấp thụ hết khối tiền được NHNN bơm ra đã buộc các TCTD phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn này sẽ chủ yếu được đầu tư vào các dự án công, thay vì “bơm” trực tiếp sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, lạm phát có xu hướng tăng lên là tất yếu khách quan. 

“Lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Nếu kịch bản này xảy ra thì khi đó NHNN sẽ buộc phải tăng lãi suất để hút tiền đồng thời sẽ phải đẩy mạnh phát hành tín phiếu NHNN nhằm giảm nguy cơ đầu cơ ngoại tệ từ các TCTD”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Anh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN