G20 giúp Nhật thoát “cuộc chiến tiền tệ”

Hôm 16.2, tuyên bố chung của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Mátxcơva đã loại trừ nguy cơ về việc xuất hiện “cuộc chiến tiền tệ” từ việc Nhật Bản làm suy yếu đồng yen và trì hoãn các kế hoạch đưa ra những mục tiêu cắt giảm nợ mới.

Thông điệp “bán đồng yen”

Thông báo trên đã làm tăng thêm những quan ngại về tình trạng mong manh của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chính sách tăng trưởng của Nhật, bao gồm việc làm suy yếu đồng yen để kích thích xuất khẩu, đã thoát được làn sóng chỉ trích trực tiếp trong tuyên bố chung của G20 tại Mátxcơva. Nhóm G20 hiện chiếm đến 90% nền kinh tế thế giới. Các nhà phân tích cho rằng đồng yen, vốn đã sụt giảm 20% nhờ tác động của chính sách tài chính và tiền tệ mới của Nhật nhằm phục hồi lại tăng trưởng kinh tế, có thể sẽ tiếp tục giảm giá. “Thị trường sẽ xem thông cáo của G20 như một sự ủng hộ cho những gì mà họ đang làm: Bán đồng yen” - ông Neil Mellor, nhà chiến lược tiền tệ tại Ngân hàng New York Mellon ở London, cho hay.

Sau các cuộc đàm phán muộn trong suốt đêm, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương đã đồng ý thông qua bản tuyên bố, với nội dung rất gần với thông cáo đã được nhóm 7 quốc gia phát triển (G7) thông qua hồi tuần trước, ủng hộ việc để thị trường quyết định tỉ giá trao đổi tiền tệ. Thông cáo bao gồm cam kết của các nước G20 về việc ngăn chặn việc phá giá cạnh tranh và nhấn mạnh chính sách tiền tệ sẽ chỉ được điều chỉnh từ bình ổn giá và tăng trưởng. “Tôi đã giải thích rằng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng hết sức để tránh giảm phát và chúng tôi đã nhận được sự thông hiểu”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso nói.

G20 giúp Nhật thoát “cuộc chiến tiền tệ” - 1

Tuyên bố chung của nhóm G20 đã giúp Nhật thoát “cuộc chiến tiền tệ”.

Trước đó, Nhật Bản bị cáo buộc khơi mào chiến tranh tiền tệ khi chỉ trong vòng 2 tháng, giá trị đồng yen của Nhật đã giảm 10% so với đồng USD và 20% đối với đồng EUR. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng trên thực tế từ 5 năm qua, hầu hết các cường quốc kinh tế đã điều chỉnh đồng tiền để kích thích kinh tế. Trung Quốc - một trong những cường quốc về xuất khẩu - đã định giá thấp đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Mặc dù đã nâng giá đồng nhân dân tệ sau khi xảy ra tranh cãi với Mỹ rất nhiều chính trị gia ở Washington vẫn phàn nàn việc thả nổi tỉ suất hối đoái của Bắc Kinh vẫn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng tham gia cuộc chơi. Sau đợt khủng hoảng nợ xấu năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục hạ lãi suất (xuống gần mức 0%) và in USD tung ra thị trường để tài trợ cho các kế hoạch chấn hưng kinh tế và xuất khẩu. Tại Châu Âu, Anh cũng áp dụng cùng biện pháp để hạ giá bảng Anh...

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định, nguy cơ về cuộc chiến tiền tệ hiện nay đang bị thổi phồng quá mức bởi không có độ chênh lệch lớn về giá trị các đồng tiền chính trên thế giới. Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng cho rằng, đề tài về cuộc chiến tiền tệ là không cần thiết tại G20.

Không có mục tiêu tài chính cụ thể

Hội nghị G20 đưa ra cam kết về một chiến lược tài khóa trung hạn, nhưng lại tránh thiết lập các mục tiêu cụ thể khi phần lớn các phái đoàn đều cảm nhận được sự mong manh của tốc độ hồi phục kinh tế. Thông cáo cho rằng những hiểm họa với kinh tế thế giới đã giảm bớt, nhưng tăng trưởng vẫn quá yếu và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. “Nỗ lực bền vững là điều cần thiết để xây dựng một nền kinh tế và một liên minh tiền tệ mạnh hơn tại khu vực đồng euro, để giải quyết những bất ổn liên quan đến tình hình tài chính tại Mỹ và Nhật và thúc đẩy các nguồn nội lực tăng trưởng tại những nền kinh tế thặng dư”.

Một thỏa thuận cắt giảm nợ được ký kết tại Toronto năm 2010 sẽ hết hạn vào năm 2013, nếu các nhà lãnh đạo không thống nhất được về việc gia hạn nó tại Hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở St Petersburg vào tháng 9 tới. “Chúng tôi có sự đồng thuận rộng khắp tại G20 rằng sẽ tiếp tục theo đuổi cam kết hoàn tất mục tiêu Toronto”, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble. “Các mục tiêu tiếp theo sẽ được quyết định tại St. Petersburg”.

Nga, quốc gia hiện là chủ tịch luân phiên của G20, thừa nhận nhóm đã không đạt được thỏa thuận về các mức thâm hụt ngân sách trung hạn, và bày tỏ quan ngại về các chính sách siêu lỏng lẻo mà Nga và các nền kinh tế đang nổi cho rằng có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề về sau. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo A.P (Báo Lao động/ Reuters)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN